Kích động [Hy Lạp: pathos; Latinh: affectus; Đức: Affekt; Anh: affect]
Xem thêm: Hiện tượng, Nhiệt tình, Tâm thức, Tưởng tượng, Đam mê, Tâm lý học,
Sự lẫn lộn xung quanh thuật ngữ này đã bị những người dịch Kant làm trầm trọng thêm, tùy từng trường hợp mà họ dịch nó là “dam mê”, “xúc cảm” và “sự bị kích động/cảm động”. Cách dịch của Strachey về thuật ngữ Affekt của Freud như “affect” [kích động] đã giúp làm sáng rõ sự sử dụng của Kant, mặc dù thuật ngữ này vốn về bản chất là có tính mơ hồ nước đôi. Tính mơ hồ nước đôi của nó đã được Augustinus lưu ý trong thế kỷ thứ V. Ông nhận xét trong City ofGod/ Nước Trời (426) rằng “những sự rung động của linh hồn mà người Hy Lạp gọi là pathê [được mô tả bởi] một số tác giả Latinh của chúng ta, chẳng hạn Cicero gọi... như những sự xáo động [peturbationes], những người khác gọi như những sự bị kích động [affections] hoặc những kích động [affectus], hoặc như những dam mê [passions]” (Augustinus, 1972, Quyển 10, Chương 4). Hơn nữa, sự tương phản của Augustinus giữa quan niệm của Plato, tức quan niệm cho rằng các dam mê bị chế ước bởi lý tính, với học thuyết khắc kỷ về ataraxia (sự bất động tâm/thoát khỏi dam mê) vẫn đánh giá thấp nhiều nghĩa được mang lại cho pathos trong triết học Hy Lạp cổ điển.
Aristoteles sử dụng thuật ngữ pathos ít nhất theo ba nghĩa bổ sung nhưng riêng biệt nhau. Nghĩa thứ nhất là, nó biểu thị một phẩm tính mà nguyên nhân của nó không có tính cấu tạo nên định nghĩa về chủ thể của nó (xem Aristoteles, 1941, 9b, 28); vì thế sự thay đổi về chất hay “sự biến đổi” được định nghĩa trong Siêu hình học như “sự thay đổi về một sự bị kích động [pathos]” (Aristoteles, 1941, 1069b, 12). Nghĩa thứ hai xuất hiện trong Đạo đức học Nicomachus, ở đó pathê là “những tình cảm được đi kèm bởi sự vui sướng hoặc đau khổ” (Aristoteles, 1941, 1105b, 23) và được phân biệt với các quan năng và các đức hạnh. Nghĩa thứ ba, trong vê Linh hồn, pathos được trình bày như một “phương cách hay sự vận động” nào đó “của cơ thể” (Aristoteles, 1941, 403a).
Việc thu hẹp nghĩa của pathos từ phẩm tính nói chung thành phẩm tính riêng của linh hồn vốn được Augustinus lưu ý vẫn tồn tại cho đến tận Descartes và Spinoza. Descartes phân biệt giữa affectio, mà với ông là đồng nghĩa với nghĩa thứ nhất của Aristoteles về pathos như một phẩm tính, với affectus có nghĩa là tình cảm, xúc cảm hay “đam mê của linh hồn”. Spinoza làm việc lại với sự phân biệt này trong Ethics, chuyển từ affection [sự bị kích động] như phẩm tính hoặc phương cách của bản thể (như trong Spinoza, 1985, Phần I, mệnh đề 4) thành affect [kích động] như đồng nghĩa với xúc cảm (commotionem, seu affectum-, trong Phần V, mệnh đề 2). Sự chuyển tiếp này được đưa ra trong Phần cốt yếu là Phần III có tên gọi “Nguồn gốc và Bản tính [tự nhiên] của các tình cảm”, ở đây, Spinoza tự nhiên hóa các kích động xúc cảm bằng cách biến chúng thành những sự bị kích động hay những phẩm tính của bản tính tự nhiên (xem Wolfson, 1962, Tập 2, tr. 193-195).
Việc Spinoza vượt qua sự phân biệt của Descartes giữa affect [kích động] và affection [bị kích động] được Kant tiếp nối; ông liên kết cả hai thuật ngữ thông qua năng lực tưởng tượng, một giải pháp hoàn toàn không thoát khỏi tính mơ hồ nước đôi. Ông trình bày affect như một khái niệm của tâm lý học thường nghiệm, nhưng giả định xuyên suốt rằng nó là kết quả của một chủ thể người bị kích động bởi các đối tượng và các ý niệm. Tương tự, bàn luận nhận thức luận về sự bị/được kích động trong PPLTTT giả định nó, để không những bao hàm phẩm tính nói chung như trong nghĩa thứ nhất của Aristoteles, mà còn bao hàm một sự vận động của tâm thức (Gemüt), nói khác đi, là một kích động xúc cảm.
Kant bàn về tâm lý học thường nghiệm về sự kích động rộng nhất trong NH §§ 73-78; XPK, Phần II, §6; SHHĐL §XVII; PPNLPĐ §29. Trong mỗi trường hợp, sự kích động được liên minh với đam mê (Leidenschaft) trong chừng mực cả hai “loại trừ chủ quyền tối cao của lý tính” (NH §73) và “thuộc về cảm năng” (SHHĐL, tr. 407, tr. 208) như “những chuyển động [motions]” của tâm thức. Sự kích động khác với đam mê ở tính không-phản tư; nó là một “men say”, trong khi đam mê thì có tính phản tư và có tính toán, một “căn bệnh” (NH §73). Sự kích động thì “mù quáng” trong việc lựa chọn hoặc các mục đích hoặc phương tiện, và là một vận động sôi nổi làm cho “sự cân nhắc tự do” và “sự tự-xác quyết” không thể có được (PPNLPĐ §29).
Đặc trưng hóa này về sự kích động gợi nhớ đến nghĩa thứ ba của Aristoteles về pathos như một sự vận động của cơ thể, nhưng Kant mở rộng nó để bao quát cả nghĩa thứ hai. Vì sự kích động không đơn thuần là sự vận động xét như sự vận động, mà là một sự vận động vượt khỏi một chướng ngại “giống như nước xuyên thủng một con đập” (NH §74). Điều này liên minh nó với tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng, và dẫn Kant đến chỗ tạo ra một sự phân biệt cốt yếu giữa hai loại kích động. Trong NH, sự phân biệt được đưa ra bằng các thuật ngữ được vay mượn từ Elementa medicina [Y học đại cương] (1780) của bác sĩ người Scotland John Brown (1735-1788). Những sự kích động hoặc “đầy sinh lực” - tức “phấn khích và thường gây kiệt sức” - hoặc “suy nhược” - tức bải hoải và làm suy yếu. Cả hai đều mang lại sự vui sướng ở chỗ chúng “giải phóng sức sống khỏi mọi sự kiềm nén” (NH §76), nhưng sự vui sướng này có thể có nhiều hình thức khác nhau. Điều này hiển hiện trong PPNLPĐ, ở đó Kant phân biệt giữa “những kích động cường tráng” với “những kích động yếu ớt, rã rời”; cái trước được đặc trưng như cái cao cả, và kích thích “ý thức về các sức mạnh của ta nhằm thắng vượt bất kỳ sự đề kháng nào”, trong khi cái sau được đặc trưng như cái đẹp ở chỗ chúng trung hòa tình cảm về sự kháng cự (PPNLPĐ §29).
Việc kết án sự kích động đã được Kant nói rõ trong bàn luận về “nhiệt tình” (enthusiasm) - “sự có mặt của sự kích động trong cái thiện” (XPK, Phần II, §6). Sự kích động này có thể có tính cấu tạo, như trong trường hợp của cuộc cách mạng của người Pháp, tuy nhiên nó không thể hoàn toàn được yêu mến vì “những sự kích động như thế đáng bị khiển trách”. Tuy nhiên, Kant phát triển một sự đánh giá tích cực cho sự kích động thông qua sự phân biệt của ông giữa cái đẹp và cái cao cả. Nếu nhiệt tình là một sự kích động của cái đẹp, thì nó hẳn sẽ bị kết án như “một vẻ ngoài lấp lánh thoáng qua làm cho người ta cảm thấy yếu ớt, rã rời” (SHHĐL, tr. 409, tr. 209). Nếu nó được xem như một sự kích động cao cả, thì nó trở nên có tính cấu tạo, tức một sự vận động của tâm thức (Gemüt) “bỏ lại đằng sau [nó] một tính khí của tâm thức (Gemütsstimmung) mà, mặc dù nó hoàn toàn không trực tiếp, vẫn có một ảnh hưởng lên ý thức của nó về sức mạnh và sự kiên quyết của chính nó”. Sự kích động của lòng nhiệt tình thì mạnh mẽ, nhưng dễ có nguy cơ sa ngã thành sự yếu ớt của cái đẹp hoặc thành đam mê cuồng tín.
Sự đặc trưng hóa của Kant về sự kích động như một vận động của tâm thức (Gemütsbewegung), nối kết các phương diện cảm tính và phương diện ý thể trong khi tạo ra sự vui sướng và không-vui sướng, đã xác định nó như sự biểu hiện của năng lực tưởng tượng (Einbildungskraft). Chính thông qua năng lực này mà Kant đã nối kết sự kích động với sự bị kích động, hay phương cách hay sự định tính chất của năng lực tưởng tượng có tính trung tâm đối với cuốn PPLTTT.
Bàn luận về sự bị kích động trong “Cảm năng học siêu nghiệm” và “sự Diễn dịch” của cuốn PPLTTT có những đặc trưng mà chính Kant đã mô tả như nghịch lý. Sự bị kích động là phương cách mà một hiện tượng kích động tâm thức (Gemüt), một mệnh đề chỉ thoát khỏi tính lặp thừa khi người ta thừa nhận rằng các mô thức của trực quan cấu thành các hiện tượng là “phương cách làm thế nào để tâm thức được kích động bằng hoạt động của chính nó..., do đó, là được kích động bởi chính mình” (PPLTTT B 68). Bằng việc nối kết sự bị kích động xét như một phẩm tính như thế với những kích động của tâm thức, Kant nêu ra “những vấn để’ và “những khó khăn” mà ông xử lý trong diễn dịch thứ hai trong dòng chảy của cái đã trở nên nổi tiếng như vấn đề của “sự bị kích động-kép”.
Vấn đề này bao hàm mối quan hệ giữa tâm lý học thường nghiệm về sự kích động với sự bị kích động của thông giác, hoặc làm thế nào tâm thức có thể đi đến chỗ tự kích động chính nó. Sự tự-kích động có vẻ mâu thuẫn vì “như thế tự ta lại hành xử một cách thụ nhận với chính ta” (PPLTTT B 153). Một câu trả lời nằm trong sự bị kích động-kép, trong đó, cái Tôi thông giác suy tưởng được phân biệt với cái Tôi tâm lý học trực quan. Lập luận này dựa vào một sự phân biệt được hàm ý giữa sự bị kích động của cái Tôi thông giác, vốn định tính chất cho các hiện tượng dựa theo bảng các phạm trù, và cái Tôi trực quan, vốn bị kích động bởi cả các phạm trù lẫn các đối tượng của tri giác. Vì thế, đó chính là một cách đọc kiểu Descartes về vấn đề này, nhấn mạnh đến sự tách rời giữa sự bị kích động và sự kích động.
Tuy nhiên, văn bản của Kant, với sự nhấn mạnh lên vai trò của năng lực tưởng tượng, có vẻ có xu hướng hướng đến một sự hòa trộn phi-Descartes của sự kích động và sự bị kích động. Năng lực tưởng tượng vừa chủ động vừa thụ động: nó tạo ra (PPLTTT B 154) các phạm trù và các cảm giác kích động nó. Theo cách nói của cuốn PPNLPĐ, trí tưởng tượng là có tính tạo hình (íormativ), lưu lại những dấu vết của những kích động của nó đến lượt sẽ kích động lại nó hoặc chúng sẽ trở thành những sự bị kích động hay những phưong cách của việc xuất hiện ra. Lý giải này chỉ đến một mối liên kết gây tranh cãi giữa cuốn Phê phán 1 và cuốn Phê phán 3 đã được khảo sát trong triết học Pháp gần đây vốn lấy cảm hứng từ nghiên cứu phân tâm học về sự kích động. Chẳng hạn, nó xuyên suốt việc Lyotard chuyển từ một “sự tiết kiệm năng lượng libido” của Freud (1974) đến một thuyết Kant nhấn mạnh vai trò của lòng nhiệt tình và cảm quan chung (1988, 1991).
Sau Kant, những bàn luận về kích động và sự bị kích động đã tách thành tâm lý học và nhận thức luận. Các nhà tâm lý học hầu hết chấp nhận sự đặt ngang hàng của Kant giữa sự kích động với hoạt động phi-ý thức, mặc dù các nhà duy nhiên cuối thế kỷ XIX không chấp thuận định đề của ông về linh hồn. Có lẽ, sự sử dụng có ảnh hưởng nhất về thuật ngữ này trong tư tưởng thế kỷ XX là của Freud, ông đã mang lại cho nó một vị trí quan trọng trong nghiên cứu siêu-tâm lý học về sự dồn nén. Trong nhận thức luận hậu-Kant, bàn luận về sự bị kích động hầu hết phụ thuộc vào những vấn đề rộng hon của mối quan hệ giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, và tái diễn lại vấn đề về sự bị kích động-kép với các triết gia biện hộ cho mặt này chống lại mặt kia. Tuy nhiên, chính Kant có vẻ đã chọn cách không giải quyết vấn đề này, mà đúng hon là để ngỏ nó như một khó khăn hay “nan đê” triết học không thể tránh khỏi nhưng thật màu mỡ.
Đinh Hồng Phúc dịch