Vật thể/Cơ thể [Latinh: Soma; Đức: Körper; Anh: body]
Xem thêm: Tùy thể, Dị trị, Sự sống, Chất thể, Vận động, Vui sướng, Tinh thần,
Trong PPLTTT, Kant xem nghĩa của khái niệm về vật thể là hiển nhiên trực tiếp đến nỗi ông sử dụng nó để làm sáng tỏ sự phân biệt giữa phán đoán tổng hợp với phán đoán phân tích: “Mọi vật thể đêu có quảng tính” là phán đoán phân tích, vì khái niệm “vật thể” chứa đựng vị từ [thuộc từ] “quảng tính”, cùng với “tính không thể thâm nhập được, hình thể...”; “Mọi vật thể đêu nặng” là một phán đoán tổng hợp, vì khái niệm “nặng” không thuộc về bản chất [bên trong] đối với khái niệm “vật thể” (A 7-9/ B 11-13). Không may, Kant không thể lựa chọn một ví dụ ít đơn giản hơn, vì thậm chí trong công việc của riêng ông, bản tính của vật thể còn xa mới rõ ràng và là một vấn đề gây tranh cãi đáng kể và thậm chí gây bất an.
Những bàn luận của Kant về vật thể có thể được phân chia, một cách hơi giả tạo, dựa theo việc chúng nhấn mạnh đến phương diện vật lý hoặc phương diện hiện tượng học của khái niệm ấy. Phương diện đầu tập trung vào khái niệm của khoa học tự nhiên về vật thể như gồm những đối tượng vật chất, trong khi phương diện thứ hai tập trung vào cơ thể con người. Thậm chí, quan niệm đầu tiên về vật thể còn xa mới đơn giản nơi Kant; tuyệt nhiên nó không đơn thuần là quy tắc cho sự thống nhất của cái đa tạp phục vụ cho nhận thức của chúng ta về những hiện tượng bên ngoài vốn được trình bày khô khan tại một điểm trong PPLTTT (A 106). Tác phẩm đầu tiên được xuất bản của Kant, cuốn LS (1747), là một sự nghiên cứu tỉ mỉ bền bỉ về bản tính của các vật thể vật lý. Trong đó, ông chống lại quan niệm của Descartes vốn cho rằng vật thể được định nghĩa bằng quảng tính, và cả quan niệm của Aristoteles cho rằng vật thể có một mục đích tự thân [entelechy] hay nguyên tắc vận động. Kant bảo vệ luận đề của Leibniz rằng vật thể gồm một lực bản chất “có trước quảng tính của nó” (LS §1), và ông đi xa đến mức tuyên bố rằng ba chiều không gian có thể được rút ra từ hoạt động của lực ấy. Vì thế, ông phân biệt giữa sự cấu tạo vật thể trên phương diện toán học dựa theo quảng tính với sự cấu tạo vật thể tự nhiên dựa vào một lực bành trướng cố hữu. Những bàn luận này, giữa những điều khác, được dành để chỉ ra rằng khái niệm “vật thể” phải được phân biệt với khái niệm “bản thể”.
Mặc dù Kant không duy trì mọi chi tiết của lập trường thời kỳ đầu này trong suốt sự nghiệp của ông, [nhưng] ông tuyệt nhiên không chấp nhận một cách đơn giản quan niệm của Descartes về vật thể có vẻ làm cơ sở cho những bàn luận trong PPLTTT. Mối quan hệ giữa vật thể và không gian tiếp tục gây bối rối cho ông: liệu các vật thể có choán hoặc tạo nên không gian, hay chúng chỉ đơn thuần biểu thị một quy tắc cho sự tổng hợp của các trực quan? Những câu hỏi này tiếp tục xuyên suốt những định nghĩa phê phán về vật thể được phát biểu trong LS, nơi vật thể có đặc trưng như “vật chất giữa những ranh giới xác định” (LS, tr. 525, tr. 80). Tuy nhiên, Kant nhận thức rằng dù định nghĩa có tính cơ giới về vật thể xem nó chỉ như một “khối hình thù xác định” tự nó giả định sự chiếm giữ về lượng có trước của một không gian riêng rẽ. Những phân tích này về phương diện lượng và chất của vật thể tiếp diễn trong OP và vẫn còn chưa được ông giải quyết cho đến lúc mất; chúng có thể được mô tả, mà không nói quá, như một trong những mối bận tâm liên tục, đơn độc, quan trọng nhất của công việc triết học của ông.
Bên cạnh bàn luận của ông về vật thể vật lý của khoa học tự nhiên, Kant còn phát triển một phân tích về cơ thể con người. Trong “những Nghịch lý” của PPLTTT, ông chạm đến vấn đề Hồn-Xác của Descartes, nhưng quan tâm của ông về ý nghĩa của kinh nghiệm của cơ thể con người đối với triết học là có tầm với xa rộng hơn. Trong cuốn DB tiền phê phán (1768), ông rút ra trật tự không gian trên/dưới, trái/phải, trước/sau vốn rất thiết yếu đối với nghiên cứu của ông về trực quan từ kinh nghiệm không gian của cơ thể con người (DB, tr. 378 - 379, tr. 366 - 367). Tương tự, trong BSL, ông rút hiện tượng về tính không thể thâm nhập được từ sự kháng cự của một đối tượng đối với sự đụng chạm cơ thể. Vì thế, phân tích về kinh nghiệm về cơ thể con người được hàm ý xuyên suốt những phân tích lý thuyết có tính cách kỹ thuật hơn của PPLTTT.
Kinh nghiệm về cơ thể cũng có tính trung tâm đối với triết học thực hành và triết học mỹ học của Kant. “Học thuyết về Đức hạnh” trong SHHĐL phần lớn quan tâm đến sự chăm sóc cơ thể, một lối tiếp cận đối với chế độ dinh dưỡng thể xác mà Kant cũng phát triển dựa vào y học trong bài luận của ông về “Y học của các Triết gia vê Cơ thề’ (1786). Vấn đề về sự vui sướng và đau đớn của cơ thể có đặc trưng nổi bật trong NLH, cũng như trong PPNLPĐ, nơi mà nó hình thành bộ phận của một nghị trình theo đường hướng Epicur ngày càng rõ nét. Vì thế, trong giai đoạn sau, Kant phân tích những kinh nghiệm khác nhau về sự vui sướng thể xác trải dài từ cái dễ chịu đến cái thẩm mỹ, và liên kết chúng với việc khuyến khích sự sống trước những trở ngại và cổ vũ cho những sự vui sướng của cơ thể. Trong PPNLPĐ, ông cũng bàn về cơ thể lý tưởng và biểu tượng nghệ thuật của nó. Đối với những khác biệt giữa các cơ thể, ta có thể đoán thấy rằng Kant không nhạy cảm với tầm ý nghĩa của sự khác biệt tính dục, và trong NLH và những tác phẩm ngắn khác, ông góp vào một cuộc tranh cãi giữa những người đương thời về những sự phân biệt chủng tộc giữa những cơ thể con người.
Phân tích rộng và bao trùm của Kant về cơ thể con người đã vượt xa khỏi những ranh giới của cuộc tranh cãi Hồn-Xác của phái Descartes, thực tế là xa đến mức vẫn còn bị quên lãng cho mãi đến thế kỷ XX. Nhiều thức nhận của ông được tìm lại bởi phong trào hiện tượng học trong diễn trình giải-cấu [deconstruction] nhị nguyên luận Descartes. Trong Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian] (1927), Heidegger trực tiếp dấn mình vào bản văn DB của Kant, và ảnh hưởng của nó vẫn cũng rõ ràng nơi hiện tượng học của Merleau-Ponty (1962) về cơ thể. Tác phẩm có ảnh hưởng của Foucault bàn về cơ thể không chỉ được gợi hứng từ tác phẩm của Kant (Foucault là người phiên dịch tác phẩm NLH), mà còn góp phần biến cơ thể thành một đối tượng nghiên cứu riêng và dẫn đến một sự xem xét lại một số bản văn và những lập luận của Kant mà trước đây đã bị bỏ qua (xem Foucault, 1976, 1980, 1984, 1988).
Hoàng Phú Phương dịch