Nội tại [Đức: immanent; Anh: immanent]
-> > Siêu việt,
Noumenon
Xem thêm: Hiện tượng, Nguyên mẫu, Thế giới khả niệm, Hiện tượng [Phenomenon], Giác quan, Cảm năng, Vật tự thân,
Trong LA (§§3, 7) và SL (§32) Kant đề cập đến sự phân biệt giữa các phenomenon [bản thể-hiện tượng hay hiện tượng được suy tưởng] và các noumenon như là một trong những thành tựu cổ xưa nhất và quý giá nhất của triết học [Hy-La] cổ đại. Trong SL, rõ ràng là Kant đang quy chiếu đến sự phân biệt của Platon giữa thế giới biểu kiến của các hiện tượng khả giác và thế giới khả niệm “hiện thực” của các ý niệm. Trong LA, Kant phê phán “Wolff trứ danh” vì đã thủ tiêu sự phân biệt này bằng cách đề ra một sự liên tục giữa các ý niệm rõ ràng của trí tuệ với các ý niệm mù mờ của cảm năng. Điều này là tổn hại lớn cho triết học, và do đó Kant đã phát biểu lại sự phân biệt này; nhưng sự phát biểu lại của Kant khác xa với sự phân biệt kinh điển giữa thế giới hiện thực của các ý niệm với thế giới hiện tượng của cảm năng.
Đặc trưng nổi bật nhất của các noumenon là chúng không phải là các đối tượng của trực quan mà là các vấn đề “thiết yếu gắn liền với sự giới hạn của cảm năng của chúng ta”, tức là liệu chúng có thể là những đối tượng cho “một trực quan và một giác tính hoàn toàn khác với trực quan và giác tính của chúng ta” hay không (PPLTTT A 287/B344). Câu hỏi này, và hệ quả của nó về việc liệu có thể có một tổng số của các noumenon hay một thế giới khả niệm không, được Kant tuyên bố là một vấn đề không thể giải đáp được, dù bằng sự chứng minh hay phản chứng. Trong ánh sáng của điều này, Kant phác họa những sự sử dụng chính đáng hoặc không chính đáng về các noumenon.
Sự sử dụng không chính đáng chủ yếu về noumenon là việc gán tính khách quan cho chúng, tức chuyển từ “một phương cách xác định đối tượng bằng tư duy đơn thuần; tức chỉ là một hình thức đơn thuần logic không có nội dung” thành cái “với ta, có vẻ là phương cách tồn tại của đối tượng tự thân (Noumenon) mà không đếm xỉa đến trực quan” (PPLTTT A 289/ B 346). Kant nhận diện hai hình thức của sự khách quan hóa không chính đáng hay “sự sứ dụng tích cực” các noumenon trong lý tính lý thuyết. Hình thức đầu tiên là sự sử dụng siêu việt các khái niệm thuần túy của giác tính như bản thể, lực, hành động, thực tại, tính nhân quả, như thể chúng chính là bản thân các noumenon (SL §45) hoặc ít nhất cũng có thể áp dụng cho các noumenon (SL §33). Hình thức thứ hai nảy sinh từ việc lý tính hình dung “các đối tượng của kinh nghiệm thành một chuỗi được mở rộng tới mức mà không một kinh nghiệm nào có thể nắm bắt được nó” và vì thế “đi tìm những noumena ở bên ngoài kinh nghiệm để gắn vào cho chuỗi này” (SL §45). Các noumenon này là các ý niệm siêu nghiệm về Thượng đế, Vũ trụ và Linh hồn đã được phân tích trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của PPLTTT.
Trong lý tính lý thuyết các noumena có thể được cho phép một sự sử dụng tiêu cực, trong đó chúng được ban cho tên gọi là “một cái gì không thể biết được” (PPLTTT A 256/ B 311) hay được sử dụng để “đánh dấu ranh giới của nhận thức cảm tính của ta, và để dành lại một khoảng trống mà ta không thể lấp đầy bằng kinh nghiệm khả hữu lẫn bằng giác tính thuần túy” (A 289/ B 345). Sự sử dụng tiêu cực chủ yếu ở việc nhắc nhở chúng ta về những ranh giới đối với các phạm trù, rằng chúng không được áp dụng một cách thích hợp cho các đối tượng phi-cảm tính (A287/ A 343), trong khi vẫn đảm bảo rằng “vẫn còn chỗ cho nhiều loại đối tượng [xa lạ] khác, do vậy chúng không bị phủ nhận một cách tuyệt đối” (A 288/ B 344). Điều kiện sau mở ngỏ cho khả năng quan niệm về các đối tượng tự thân (noumenal) hoặc những sự mở rộng các khái niệm của giác tính vượt khỏi trực quan, một sự lựa chọn mà Kant đưa ra trong khái niệm về nguyên nhân tự thân vốn được áp dụng để giải quyết các nghịch lý. Có tính nhân quả trong “tính năng thường nghiệm” bị giới hạn vào các hiện tượng, và có tính nhân quả trong tính chất khả niệm của nó - nguyên nhân tự thân [causa noumenon] - của tự do: cùng một chủ thể này có thể bị quy định trong một phương diện này, nhưng là tự do trong phương diện khác (xem STBSHH tr. 219, tr. 118-19). Sự áp dụng tự thân này của phạm trù tính nhân quả và đối tượng tự thân của tự do đánh dấu một điểm chuyển tiếp giữa triết học lý thuyết và triết học thực hành của Kant.
Trong PPLTTH, Kant nhắc lại rằng trong khi nhận thức tích cực về các noumenon là bị phủ nhận trong lý tính lý thuyết, thì Kant đã chỉ ra “khả thể - hay thực ra, tính tất yếu - cho việc suy tưởng về chúng” trong tương quan đặc biệt với sự tự do. Kant thêm rằng, với lý tính thực hành, “quy luật luân lý” là không thể giải thích được bằng các thuật ngữ lý thuyết, trái lại, nhắm tới “một thế giới thuần túy khả niệm” và hơn nữa, “xác định thế giới này một cách tích cực, khẳng định và cho phép ta nhận thức được điều gì đó về thế giới này, đó là, nhận thức một quy luật [luân lý]” (PPLTTH tr. 43, tr. 44).
Mai Sơn dịch