Định nghĩa [Đức: Definition; Anh: definition]
Kant từng than phiền rằng “trong ngôn ngữ Đức, chỉ có một từ duy nhất là Erklärung [cắt nghĩa] dùng chung cho các từ [có nguồn gốc La- tinh] như: Exposition [trình bày], Explikation [giải thích], Deklaration [tuyên bố] và Definition [định nghĩa]” (PPLTTT B758). Wolff đã dùng Erklärung (xuất phát từ động từ erklären (làm rõ, giải thích, tuyên bố)) để dịch chữ gốc La-tinh Definition, nhưng chữ này cũng được dùng để biểu thị “sự GIẢI THÍCH”. Hegel thường dành Erklärung để biểu thị “sự giải thích”, còn khi biểu thị “định nghĩa” ông dùng chữ Definition hay đôi chỗ ông cũng dùng chữ Bestimmung (Sự QUY ĐỊNH).
Hegel bàn về “định nghĩa” rõ nhất trong hai ngữ cảnh: thứ nhất, ông cho rằng “các sự quy định” hay “các phạm trù” được xem xét trong Lô-gíc học (hay ít nhất là thành tố thứ nhất và thứ hai của mỗi BỘ BA) có thể được xem như “những định nghĩa về cái TUYỆT ĐỐI, như những định nghĩa siêu hình học về Thượng Để’, chẳng hạn TỒN TẠI cung cấp định nghĩa rằng “cái tuyệt đối” (hay Thượng Đế) là tồn tại (BKTI, §§85, 86). (Ông xem phương cách xem xét các phạm trù này là sai lầm, vì các thuật ngữ “Thượng Để’ và “cái tuyệt đối” hoặc là trống rỗng, và chỉ có nghĩa bằng vị từ của MỆNH ĐỂ định nghĩa, hoặc chúng mang những BIỂU TƯỢNG hình ảnh thường được gắn với chúng vào trong Lô-gíc học). Một định nghĩa theo nghĩa này thì không phải là định nghĩa để biểu đạt “Thượng Để’ hay “cái tuyệt đối”, nhưng là một sự xác định “Thượng Đế’ hay “cái tuyệt đối” bằng những thuật ngữ của TƯ TƯỞNG.
Thứ hai, ông xem định nghĩa, trong KHLG, như giai đoạn đầu tiên của “NHẬN THỨC tổng hợp”. (Hai giai đoạn khác là sự PHÂN TOẠI và định lý (Lehrsatz). Ở đây, ông xem xét định nghĩa về ba loại thực thể:
1. Các vật tạo tác (Artefacts) có thể được định nghĩa trực tiếp bằng MỤC ĐÍCH (Zweck) nhắm đến và bằng những đặc điểm cần có để hoàn thành mục đích ấy.
2. Các thực thể toán học là những sự trừu tượng hóa do ta tạo ra và có thể được định nghĩa bằng những gì ta đặt vào trong chúng. Khác với Kant, Hegel xem một định nghĩa chẳng hạn “Một đường thẳng là khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm” là một định nghĩa ước định (stipulative) và vì thế là một mệnh đề phân tích [chứ không phải tổng hợp như quan niệm của Kant].
3. Các thực thể CỤ THỂ thuộc tự nhiên và tinh thần thì đáng nghi vấn hon nhiều. Định nghĩa của chúng, theo quan niệm về nhận thức mà Hegel đang trình bày, gồm 3 yếu tố: a) giống, hay yếu tố PHỔ BIẾN; b) sự khác biệt về loài hay yếu tố ĐẶC THỪ; c) bản thân đối tượng, tức yếu tố CÁ BIỆT, nằm bên ngoài định nghĩa, nhưng hiện thân cho giống và sự khác biệt về loài. Tetens đã đi trước Wittgenstein khi ông phản bác, trong On the Origin of Languages and Writing [Vể Nguồn gốc của các Ngôn ngữ và chữ Viết] (1772), tr 52-52, rằng nhiều từ không mở ngỏ cho một định nghĩa như vậy, vì, có thể nói, không có đặc điểm đơn độc nào là chung và dành riêng cho mọi loài vật; các loài vật khác nhau thì tương tự nhau, nhưng trong những phương diện khác nhau. Hegel không khơi ra phản bác này, một phần vì ông đang nghĩ về nỗ lực của nhà khoa học thường nghiệm muốn tạo ra các khái niệm cho những đối tượng mà họ gặp, hơn là định nghĩa về những từ đã có. Đúng hơn, vấn đề là, ít nhất là ban đầu, ta thiếu một tiêu chuẩn, giống như nguyên tắc về sự khác biệt về loài, để lựa chọn một đặc điểm bản chất, tức một đặc điểm mà toàn bộ tính chất của loài phụ thuộc vào, và ta thường chọn tiêu biểu một dấu hiệu phân biệt tương đối bề mặt nào đó, dựa trên độ lâu bền của nó mà mọi hay hầu hết thành viên của loài ấy đều có, và sự bền bỉ của nó xuyên suốt quá trình phát triển của chúng. Hegel kết luận rằng một định nghĩa như thế, nhất là khi xét đến sự xuất hiện của những cái cá biệt dị dạng và khiếm khuyết vốn thiếu dấu hiệu phân biệt về loài của chúng, không thể biện minh cho “Sự TẤT YẾU” của nội dung của nó.
Kant cho rằng định nghĩa triết học không thể tiến hành bằng giống và sự dị biệt về loài (genus and differentia) như những định nghĩa sinh học, cũng không thể tiến hành như những định nghĩa toán học là tạo ra một khái niệm; trái lại, chúng tiến hành bằng cách mang lại một sự phân tích, trình bày hay giải thích (Erklärung) cho một khái niệm đã có. Kết quả là, theo Kant, khác với nhà toán học, triết gia không nên bắt đầu bằng các định nghĩa, như trường hợp Spinoza: các định nghĩa chung cuộc đến vào lúc sau cùng, chứ không phải ở khởi điểm (PPLTTT B758-9). Hegel đồng ý với điều này trên một số phưong diện, nhưng không đồng ý trên các phưong diện khác:
1. Hầu hết những KHÁI NIỆM triết học đều không hợp với lối định nghĩa bằng giống và sự dị biệt về loài.
2. Thậm chí nếu một định nghĩa như thế là có thể có đi nữa, nó cũng không cho thấy “sự tất yếu” của khái niệm hay của định nghĩa đã được mang lại cho nó.
3. Điều này chỉ có thể được chỉ ra bằng việc rút ra hay “diễn dịch” khái niệm từ các khái niệm khác, chẳng hạn khái niệm về TÍNH HÔ TƯƠNG là được rút ra từ khái niệm về TÍNH NHÂN QUẢ.
4. Nhưng việc nghiên cứu về một khái niệm như thế không kết luận bằng một định nghĩa rõ ràng về nó, vì khái niệm phát triển xuyên suốt sự xử lý của Hegel về nó và rốt cục chuyển sang một khái niệm khác, như tính nhân quả chuyển sang thành tính hỗ tưong. Định nghĩa về khái niệm là nghiên cứu về toàn bộ diễn trình PHÁT TRIỂN chứ không phải về bất kỳ giai đoạn riêng lẻ nào của nó. Hegel cũng ghét việc bắt đầu Lô-gíc học bằng một định nghĩa về Lô-gíc học, vì ông tin rằng một định nghĩa như thế ắt chỉ đạt đến một khảo sát tổng quan về những HÌNH DUNG (Vorstellungen) hiện hành về Lô-gíc học mà thôi. Để tìm ra được Lô-gíc học (hay toán học) là gì, ta phải đi theo diễn trình của nó. Nhất quán với điều này, ông lập luận rằng định nghĩa (và các tiên đề) mà Spinoza đã dùng để bắt đầu cuốn Ethics [Đạo đức học] là không thể hiểu được cho đến khi ta thấy những gì được rút ra từ chúng.
5) Triết học không kiến tạo những khái niệm của mình cũng không phân tích những khái niệm có sẵn từ trước. Nó không phân tích một biểu tượng đã có hay đánh giá sự nghiên cứu của nó về một khái niệm bằng sự phù hợp của nó với một biểu tượng như thế, với từ nguyên học hay với “những sự kiện của ý thức” (tức sự hiển nhiên của trực quan - một cụm từ phổ biến thời ông, nhất là nơi J. E Fries). Triết học chỉ đơn giản cho thấy mức độ của sự phù hợp với những quan niệm thông thường về những khái niệm như thế khi nó dẫn xuất và “tái kiến tạo”.
Trong một bàn luận về định nghĩa trong THPQ §2, Hegel lưu ý rằng các luật gia La Mã đã cảnh báo rằng “mọi định nghĩa đều nguy hiểm”, vì một định nghĩa rõ ràng cho một khái niệm có thể phơi bày những đặc điểm “MÂU THUẪN” của những định chế hiện tồn. Chẳng hạn, một định nghĩa về con người ắt loại trừ người nô lệ ra khỏi phạm vi của khái niệm (điều này là không thể) hoặc vạch trần rằng nô lệ, dù là người, đã bị đối xử theo những cách vi phạm khái niệm con người. Điều này nhất quán với quan niệm của Hegel rằng một khái niệm, và do đó, một định nghĩa, không đơn giản ghi lại những đặc điểm chung cho tất cả những gì được thâu gồm dưới nó. Các sự vật (chẳng hạn một người nô lệ) thường không thỏa ứng với khái niệm vốn chủ yếu áp dụng cho họ (chẳng hạn khái niệm về con người). Trong khi một con người đã phát triển đầy đủ là tự do CHO MÌNH, thì một nô lệ chỉ tự do Tự MÌNH. Một người cổ đại biện hộ cho chế độ nô lệ, như Aristoteles chẳng hạn, hẳn sẽ trả lời rằng một số người là “nô lệ tự nhiên”, vì họ chỉ tư duy ở một mức độ thấp và vì thế không thỏa ứng đặc tính của tính người trọn vẹn, tức phải có tư duy lý tính: một thành viên cấp thấp của một loại hình không nhất thiết nhận được sự đối xử thích đáng như những thành viên không phải cấp thấp. Có lẽ Hegel sẽ đáp trả điều này rằng: 1) Không có gì cho thấy rằng bất kỳ chế độ nô lệ đang có nào đã nô lệ tất cả những ai, và chỉ những ai, theo quan niệm của Aristoteles, vốn là những nô lệ tự nhiên cả; 2) không có nô lệ tự nhiên nào hết, vì (năng lực của ta dùng để) tư duy là đang phát triển một cách cố hữu và nội tại và không thể bị đóng băng bởi tự nhiên ở mức độ thấp; nhưng 3) vì nô lệ có thể, do một số hoàn cảnh, chỉ tư duy ở mức độ thấp - và cũng vì Hegel ngại ngùng trong việc phê phán HIỆN THựC - nên 1) và 2) không có nghĩa sự nô lệ, bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đâu nó tồn tại, PHẢI bị xóa bỏ ngay lập tức. Những định nghĩa đơn độc là nguy hiểm như các luật gia đã nghĩ, là điều không rõ ràng.
Quan niệm của Hegel về định nghĩa, có thể đối chiếu hữu ích với nhận định của Nietzsche về TRỪNG PHẠT: “mọi khái niệm mà toàn bộ tiến trình về mặt kí hiệu học đều tập trung vào nó thì lẩn tránh định nghĩa”.
Hoàng Phú Phương dịch