Cách mạng (cuộc) [Đức: Revolution; Anh: revolution]
Xem thêm: Hiến pháp, Khai minh, Bài viết chính trị (các), Nhà nước,
Mặc dù trong KMLG, Kant xem cách mạng như việc ngầm đặt “một sự cáo chung cho chế độ độc tài chuyên chế, tham lam hoặc cho sự đàn áp tìm kiếm quyền lực” (tr. 36, tr. 55), ông cũng xem nó như một tiềm lực cho những tiên kiến mới, những tiên kiến sẽ được dùng như là một cái ách kiểm soát khối đông quần chúng thiếu tư duy, “không khác gì với những tiên kiến mà chúng thay thê”. Ông không đặt niềm tin của mình đối với sự biến đổi xã hội và sự mở rộng của tư tưởng khai minh vào việc thay đổi định chế, mà vào sự phát triển của một công chúng được khai minh và một “sự cải cách thực sự trong tư duy”. Lập trường cải cách này được thôi thúc còn mạnh mẽ hơn nữa trong SHHĐL, trong đó Kant không tán thành một “quyền chống đối” (tr. 320, tr. 131). Nếu sự thay đổi định chế là cần thiết, thì nó phải được thực hiện “chỉ thông qua cải cách bởi chính người cầm quyền, chứ không do nhân dân, và do đó không phải bởi cuộc cách mạng” (tr. 322, tr. 133).
Thế nhưng, phản ứng của Kant trước những cuộc cách mạng trong thời đại ông lại mang tính nước đôi hơn là những bình giải lý thuyết của ông. Ông là một người ủng hộ nhiệt tình cho cuộc Cách mạng Mỹ, và phản ứng của ông về Cách mạng Pháp thì hết sức phức tạp. Trong PPNLPĐ § 65, các nhận xét của ông về “cuộc chuyển đổi toàn diện, mới được đảm nhận gần đây, của một dân tộc vĩ đại thành một nhà nước” là hoàn toàn có tính chất ủng hộ cho cuộc Cách mạng Mỹ: trong XPK ông nói về một “sự đồng cảm gần với lòng nhiệt tình” đang chiếm lấy những người chứng kiến cuộc cách mạng Pháp, là cuộc Cách mạng chứa đựng trong nó “tâm thế luân lý trong chủng loài người” (tr. 85, tr. 182). “Chủ đề luân lý” bàn đến ở đây có hai khía cạnh: thứ nhất đó là “quyền của mọi người đem lại cho mình một hiến pháp dân sự”, và thứ hai là sự đóng góp của một hiến pháp cộng hòa cho hòa bình. Thế nhưng trong một cước chú, Kant một mực cho rằng những nhận xét này không có nghĩa cho phép những ai sống dưới những chế độ quân chủ có quyền thay đổi chúng. Trong SHHĐT, lập trường của Kant thậm chí được phát biểu một cách mạnh mẽ hon, với “xúc cảm luân lý” của những khán giả của cuộc cách mạng chuyển thành sự khiếp sợ trước cảnh tượng hành hình nhà vua mà ở đó - ông nói - “như thể nhà nước phạm tội tự sát” (SHHĐT, tr. 321, tr. 132). Ta có thể đọc thấy được sự nhất quán trong hai nhận xét này bằng cách xem những sự dị biệt trong các phản ứng của Kant là do những thời kỳ cách mạng khác nhau, hay thậm chí có thể xem ông như một người theo phái Jacobin đang lo che đậy những dấu vết của mình. Tuy nhiên, điều có vẻ đúng sự thật hon cả đó là ông cho phép lập trường của mình được kiểm nghiệm và thay đổi trước những biến cố lịch sử.
Hoàng Phong Tuấn dịch