Thuần túy (tính) [Đức: rein; Anh: pure]
Xem thêm: Thường nghiệm (tính), Mô thức, Nguồn gốc,
Trong triết học Kant, thuẫn túy đối lập hoàn toàn với thường nghiệm, và cả hai đều được sắp vào một ma trận của những cái đối lập gồm mô thức-chất liệu, tính tự khởi-tính thụ nhận, tự trị-dị trị, căn nguyên-phái sinh, điều kiện-có điều kiện, có trước-có sau và tiên nghiệm-hậu nghiệm. Schmitt trong Bản chỉ mục (Sachregister) của quyển PPLTTT do ông ấn hành, đã liệt kê các cách dùng tính từ của từ “thuần túy” khi từ này được mở rộng sang các khái niệm như thông giác (B 132), những khái niệm (B 91), ý thức (B 208), tư tưởng (B 79), thuyết duy nghiệm (B 494), nhận thức (B 1), mô thức (B 34), những nguyên tắc (B 198), những phạm trù (B 304), không gian và thời gian (B 374), tổng hợp (B 103) và biểu tượng (B 34). Mặc dù được Kant sử dụng một cách rộng rãi, nhưng bản thân khái niệm này hiếm khi được bàn thảo như một chủ đề riêng biệt. Chẳng hạn trong PPLTTT, nhận thức thuần túy được định nghĩa là nhận thức “không bị pha trộn với bất cứ những gì bên ngoài (A 1/B 24), mặc dù ta khó xác định được nhận thức ấy tự nó có nghĩa là gì. Có thể đưa ra một ví dụ khác về định nghĩa phủ định đối với tính thuần túy như sau: một biểu tượng là thuần túy “khi không có bất kỳ cảm giác nào được pha trộn” với nó (A 50/B 74); nói khác đi, trạng thái thuần túy của biểu tượng chủ yếu là sự đối ngược với tình trạng bị trộn lẫn với cảm giác.
Thuẫn túy thường được dùng đồng nghĩa với những thuật ngữ như tiên nghiệm, mô thức, điều kiện, tính tự trị và tính căn nguyên, nhưng nó cũng lại được dùng để xác định tính chất cho chính các thuật ngữ ấy như trong chữ “thuần túy tiên nghiệm” (PPLTTT A 85/B 117). Trong một số trường hợp, những khái niệm tiên nghiệm và những trực quan tiên nghiệm là thuần túy bởi vì chúng là tiên nghiệm, trong những trường hợp khác, chúng là tiên nghiệm bởi vì chúng là thuần túy. Tuy nhiên, ở một vài chỗ ít ỏi, Kant cũng đến gần được một định nghĩa đầy đủ về tính thuần túy khi ông đặt ngang hàng cái thuẫn túy và cái căn nguyên. Thông giác thuần túy được phân biệt với thông giác thường nghiệm nhờ vào tính tự khởi của nó. Thông giác thuần túy này mang tính “căn nguyên” khi nó là “một Tự-ý thức” mà, trong khi sản sinh ra biểu tượng “Tôi tư duy”... thì nó lại không thể đi kèm bởi bất kỳ một biểu tượng nào khác” (PPLTTT BI32). Như thế, bằng việc định vị nguồn gốc của tính thuần túy lý thuyết trong tính tự khởi, Kant phát lộ ra một sự nối kết giữa tính thuần túy lý thuyết với tính thuần túy thực hành. Lý tính thuần túy thực hành khám phá nguyên tắc của nó không phải ở trong các Cổ sở nền tảng dị trị của việc theo đuổi các mục đích, chẳng hạn như hạnh phúc, mà là ở trong mô thức thuần túy được sản sinh một cách tự trị của mệnh lệnh nhất quyết.
Trần Kỳ Đồng dịch