Chủ thể/Chủ ngữ [Hy Lạp: hupokeimenon; Latinh: subiectum; Đức: Subjeckt; Anh: subject]
Xem thêm: Tùy thể, Tôi (cái), “Tôi tư duy” (cái), VỊ ngữ/thuộc tính, Bản thể,
Theo Aristoteles, chủ thể, hay hupokeimmenon, biểu thị “cái nằm bên dưới” và được sử dụng theo nhiều nghĩa. Nó được sử dụng một cách logic để nói về chủ ngữ; nó cũng được dùng như một phưong cách biểu thị chất liệu, và như một cách biểu thị bản thể như là “chủ thể tối hậu” hay những tồn tại nào “được gọi là bản thể bởi vì chúng không phải là thuộc tính của một chủ thể, trái lại, mọi thứ khác lại là thuộc tính của chúng (1841, 1017b, 14). Với Descartes, chủ thể tối hậu được đồng nhất với cái Tôi tự-ý thức đã được khai mở bằng [mệnh đề] “tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (cogito ergo sum) và điều này sau đó được xem như là một căn cứ hay Cổ sở của vị ngữ hóa (hay thuộc tính hóa). Trong khi Kant chấp nhận rằng chủ thể với tư cách là cái Tôi là điều kiện mô thức logic của kinh nghiệm, ông kịch liệt chống lại tuyên bố rằng nó biểu thị một bản thể thực tồn.
Nghiên cứu của Kant về chủ ngữ logic rất gần với lý luận chính thống của Aristoteles. Ông khẳng định rằng tất cả các phán đoán (dù là phán đoán tổng hợp tiên nghiệm hoặc là phán đoán phân tích) là những phưong cách của tư duy về “quan hệ của một chủ ngữ với vị ngữ” (PPLTTT A 6/B 10). Trong phán đoán phân tích: “tất cả vật thể đều có quảng tính” và trong phán đoán tổng hợp tiên nghiệm: “tất cả vật thể đều nặng” (thì) khái niệm vật thể là chủ ngữ”; những khái niệm quảng tính và trọng lượng là những vị ngữ của phán đoán. Trong khi Kant sẵn sàng thừa nhận rằng cái Tôi tự-ý thức là chủ thể tối hậu của nhận thức và hành động, nhưng ông không muốn dành cho chủ thể này bất cứ sự hiện hữu có tính bản thể nào: cái Tôi như là chủ thể tuyệt đối là một chức năng logic chứ không phải là một tồn tại hiện có. Vì vậy, trong khi tôi có thể tự hình dung “một cái gì đó có thể tồn tại đon thuần như một chủ thể (chứ không phải một thuộc tính)... tôi hoàn toàn không biết biểu tượng logic này về chủ thể thuộc về sự vật dưới những điều kiện nào... do đó không hề biết khái niệm ấy thực sự có nghĩa gì không” (PPLTTT A 243/B 301). Vì vậy cái Tôi như một chủ thể chỉ là “một tiền tố đơn thuần” hay “một biểu tượng hoàn toàn trống rỗng”.
Kant cực kì nhạy cảm với sự nguy hiểm của việc đảo ngược chủ ngữ logic và những vị ngữ của nó thành bản thể và những tùy thể của môn bản thể học. Chủ thể logic của nhận thức là cái Tôi “vẫn còn lại sau khi tất cả những tùy thể (như là những thuộc tính) được tước bỏ hết” (SL §45), nhưng quá trình của bản thân sự trừu tượng hóa này không thể bảo đảm sự tồn tại của cái Tôi. Trông chờ vào việc nó đảm bảo cho sự tồn tại của cái Tôi là rơi vào sự sai lầm của võng luận, như trong võng luận thứ nhất của Tâm lý học thuần lý là võng luận sai lầm khi đi từ các tiền đề rằng: “chủ thể tuyệt đỗi của các phán đoán của ta” là bản thể, và rằng: “tôi, với tư cách là một tồn tại tư duy, là chủ thể tuyệt đỗi của tất cả những phán đoán có thể có của tôi” đến kết luận rằng: “do đó, tôi với tư cách là một tồn tại tư duy (linh hồn) là bản thể (PPLTTT A 348). Vì thế, Kant chấp nhận cogito hay “cái Tôi tư duy” như một mệnh đề về một cái tôi hay một chủ thể tuyệt đối, nhưng chống lại ergo sum hay sự suy luận mang tính võng luận rằng chủ thể này là một tồn tại bản thể.
Chủ nghĩa triệt để trong việc xem xét chủ thể trên bình diện lý thuyết của Kant được nêu rõ trong một số phương diện, nhất là đối với chủ thể thực hành. Trong những nghịch lý của PPLTTT và trong PPLTTH, Kant giả định rằng chủ thể hành động là một bản thể. Chủ thể hành động chiếm lĩnh cả vương quốc khả niệm của tự do lẫn vương quốc của tính nhân quả tự nhiên; trong tính cách khả niệm của nó, “chủ thể ấy phải được xét như là được giải phóng ra khỏi mọi ảnh hưởng của cảm năng” mặc dù những hành động của nó tạo ra những kết quả trong thế giới thường nghiệm (PPLTTT A 541/B 569). Kết luận rằng chủ thể hành động, cũng giống như chủ thể tư duy, đều chỉ là một chức năng logic chứ không có tồn tại bản thể đã được Nietzsche (1886) và Freud (1915) đưa ra. Theo nguồn cảm hứng của họ, các tác gia cuối thế kỷ XX như Foucault (1980, 1988), Lacan (1986) và Derrida (1967) đã rút ra những hệ quả của sự phân ly nguyên thủy giữa cái cogito (tôi tư duy) khỏi ergo sum (vậy tôi tồn tại) ở Kant.
Mai Thị Thùy Chang dịch
Đối tượng siêu nghiệm và chủ thể siêu nghiệm [ Đức: Transzendentales Objekt und Subjekt; Anh: transcendental object and subject]
Xem thêm: Trực quan, Đa tạp, Noumenon, Đối tượng, Thụ nhận (tính), Chủ thể, Vật tự thân, Thống nhất (tính, sự),
Đối tượng siêu nghiệm là một hệ quả lý thuyết của việc Kant hạn chế trực quan của con người ở năng lực thụ nhận những hiện tượng và của việc ông tin rằng không thể có “hiện tượng nào mà không có cái gì đó xuất hiện ra” (PPLTTT B 27).
Đối tượng siêu nghiệm được định đề hóa như cái “xuất hiện ra” hay cái đối ứng với tính thụ nhận. Khi bàn về đối tượng siêu nghiệm, Kant treo lửng những sự phân biệt thông thường của ông giữa Objekt và Gegenstand [Xem mục từ: Đối tượng], và trong nhiều trường hợp, thậm chí ông còn sử dụng [khái niệm] “sự vật” (Ding). Đây là một hệ quả của sự bất khả tri về đối tượng siêu nghiệm, một đặc tính mà nó có chung với Noumenon [sự vật của giác tính] và với vật tự thân; [vì thế], giống như Noumenon và vật tự thân, đối tượng siêu nghiệm có thể được suy tưởng theo nguyên tắc mâu thuẫn, nhưng không thể được nhận thức như một đối tượng của kinh nghiệm. Thực tế, trong một số trường hợp, chủ yếu trong ấn bản đầu tiên của PPLTTT, Kant sử dụng các thuật ngữ Noumenon và vật tự thân như những từ đồng nghĩa với đối tượng siêu nghiệm (A 366, A 385, A 614/B 642). Nhưng trong khi cả ba chia sẻ đặc tính chung là có thể suy tưởng được [khả niệm] chứ không phải là các đối tượng của kinh nghiệm, thì đối tượng siêu nghiệm được dùng theo nghĩa đặc thù là cái đối ứng khả niệm của các hiện tượng cảm tính. Kant miễn cưỡng thừa nhận rằng chúng ta có thể gọi “nguyên nhân thuần túy khả niệm của các hiện tượng nói chung là đối tượng siêu nghiệm”, rồi xác định thêm: “nhưng chỉ để ta có cái gì đó tưong ứng với cảm năng vốn được xét như là một tính thụ nhận” (A 494/B 522). Như ông đã sớm chỉ ra trong PPLTTT, nó chỉ đon thuần là một chức năng của việc đòi hỏi rằng các hiện tượng với tư cách là các biểu tượng phải đại diện cho cái gì đó, nên gọi cái đó là “cái không-thường nghiệm, tức đối tượng siêu nghiệm = X” (A 109).
Trong một số trường hợp trong PPTTTT, Kant dường như vượt khỏi những đòi hỏi mang tính chức năng đon thuần là phải xem đối tượng siêu nghiệm như một cái đối ứng của các hiện tượng. Đây là những khoảnh khắc mà tại đó đối tượng siêu nghiệm trải qua sự biến hình để trở thành một chủ thể siêu nghiệm. Sự nối kết mang tính chuyển tiếp này là sự thống nhất thể hiện qua một cái đa tạp của trực quan. Ở phần A 613/B 641, Kant đi từ việc mô tả đối tượng siêu nghiệm như [cái] “làm nền tảng cho mọi hiện tượng”, và vì thế khi ông nói rằng đây là lý do “tại sao cảm năng của ta tuân theo những điều kiện tối cao này chứ không phải là những điều kiện tối cao khác”, thì điều này “đối với chúng ta là không thể tìm hiểu được”. Điều này có thể được đặt kề bên nhận xét trước đây của ông rằng đối tượng siêu nghiệm “chỉ nói lên ý tưởng về một đối tượng nói chung, dựa theo các phương cách khác nhau [của trực quan]” (A 247/B 304). Với nhận xét ấy, ông không muốn nói rằng đối tượng siêu nghiệm quy định phương cách trực quan không gian-thời gian của ta, mà có ý nói rằng nó mang lại “sự thống nhất của tư tưởng về một cái đa tạp nói chung”, không xét đến phương cách trực quan. Tuy nhiên, sự thống nhất này sau đó được cho là đặc tính của “chủ thể siêu nghiệm” hay “một cái gì đó nói chung” được biểu đạt bằng thuật ngữ “cái Tôi”, tức cái tạo thành phương tiện chuyên chở cho mọi kinh nghiệm. Nó mang lại điều kiện nền tảng nhất cho kinh nghiệm để những cái đa tạp của trực quan có thể được thống nhất.
Hoàng Phú Phương dịch