Hình ảnh [Đức: Bild; Anh: image]
Xem thêm: Tưởng tượng (trí), Đa tạp (sự), Niệm thức (thuyết), Tổng hợp (sự),
Trong Kiến trúc học phê phán của Kant, hình ảnh chiếm một vị trí bất định đâu đó giữa khái niệm và trực quan. Như là một hình thức trung giới giữa các quan năng dị loại (hay dị tính) là giác tính và trực quan, hình ảnh rõ ràng có một vị thế có tính nước đôi. Hình ảnh vừa được hiểu như là sự trình bày một khái niệm [thành hình ảnh] cho trực quan, chẳng hạn khái niệm “bản thể trong hiện tượng” được trình bày như là “một hình ảnh thường tồn của cảm năng” (PPLTTT A 525/B553; xem thêm PH 222, 136) và vừa được hiểu như là một cái gì được sinh ra từ cái đa tạp của trực quan và được trình bày cho giác tính. Phần lớn sự bàn luận của Kant tập trung vào cách hiểu thứ hai, vì sự trình bày một khái niệm cho trực quan phần lớn đã được niệm thức đảm nhận, tức là “biểu tượng về một phương pháp chung của trí tưởng tượng nhằm mang lại cho một khái niệm hình ảnh của chính nó” (PPLTTT A 140/B 179) chứ không phải là bản thân khái niệm. Thuyết niệm thức là công việc của trí tưởng tượng siêu nghiệm, “không nhắm vào từng trực quan riêng lẻ nào”, trong khi hình ảnh rời rạc, riêng lẻ là sản phẩm của trí tưởng tượng thường nghiệm. Sự sản sinh ra những hình ảnh bởi trí tưởng tượng thường nghiệm từ cái đa tạp của trực quan là phần cốt lõi của nghiên cứu về sự tổng hợp trong phần “Diễn dịch” của ấn bản A quyển PPLTTT. Ở đây, Kant đề cập tới trí tưởng tượng như là “một quan năng tích cực làm nên sự tổng hợp cái đa tạp” (PPLTTT A 120) và xem việc làm của nó như là việc tạo ra một hình ảnh qua sự tổng hợp của sự lĩnh hội và sự tái tạo. Bấy giờ, hình ảnh là phù hợp để trình bày cho những khái niệm của giác tính nhằm được giác tính đưa vào trong hoạt động nhận thức.
Nghiên cứu về việc sản sinh ra những hình ảnh từ cái đa tạp của trực quan vừa được triển khai song hành vừa được mở rộng ra trong nghiên cứu về “ý niệm thẩm mỹ chuẩn”, được phát triển trong PPNLPĐ. Ở đây Kant cố gắng giải thích làm thế nào ý niệm thẩm mỹ chuẩn có thể có tính quy phạm mà không cần đến những đòi hỏi có tính thâu gồm của khái niệm. Vấn đề được xử lý thành vấn đề trình bày một ý niệm thẩm mỹ “cụ thể (in concreto) trong một hình ảnh mẫu điển hình” (PPNLPĐ §17), một giải pháp có thể chỉ được gợi ý một cách gián tiếp, bởi lẽ “làm sao [ta] biết hết được bí mật của Tự nhiên?”. Tâm thức (Gemüt) chồng lên nhau nhiều hình ảnh về một đối tượng cá biệt cho đến khi đạt được “đường viền trung bình làm chuẩn chung cho tất cả”. Cái hiện tượng sau được minh họa bằng sự tư ổng tự với sự trình bày thị giác về những hình ảnh mà ở đó đường viền là “vị trí được rọi sáng bằng màu sắc tập trung mạnh nhất” (PPNLPĐ §17). “Đường viền” không phải là một khái niệm của giác tính cũng không đon thuần là sự phái sinh của cái đa tạp của trực quan, mà là “hình ảnh trôi nổi cho toàn bộ cả loài được tự nhiên sử dụng làm hình ảnh nguyên mẫu cho những sản phẩm của mình thuộc về cùng một loài” (PPNLPĐ §17). Qua nghiên cứu này về hình ảnh, dường như Kant vừa muốn bổ sung cho việc nghiên cứu về hình ảnh phục tùng năng lực phán đoán thâu gồm và có tính xác định trong PPLTTT, vừa tạo nên thực chất cho việc làm của năng lực phán đoán phản tư trong PPNLPĐ.
Hoàng Phong Tuấn dịch