Chất liệu [Đức: Materie; Anh: matter]
-> > Chất thể,
Chất thể/Chất liệu/Vật chất [Đức: Materie; Anh: matter]
Xem thêm: Tùy thể, Vật thể, Khái niệm phản tư (các), Động lực học, Mô thức, Cơ học, Chuyển động (sự), Hiện tượng học, Chuyển động học, Bản thể,
Trong triết học phê phán, Kant dành một vai trò tương đối hạn chế cho khái niệm “chất thể” hay “vật chất”. Chất thể được xác định về mặt tính từ là “chất thể của hiện tượng” và “chất liệu cho nhận thức”, với nghĩa trước thì chất thể là “hiện tượng tương ứng với cảm giác” (PPLTTT, A 20/B 34) và với nghĩa sau là cái gì “thu hoạch được từ các giác quan” (PPLTTT, A 86/ B 118). Chất thể luôn đối lập với mô thức, và cùng với mô thức làm thành một trong bốn cặp các khái niệm phản tư. Chất thể có nghĩa là “cái có thể được quy định nói chung” đối lập với mô thức, vốn có nghĩa là sự quy định nói chung (PPLTTT, A 267/B 323). Cũng như với mọi khái niệm phản tư, chất thể và mô thức không phải là cái gì tự thân mà biểu thị những phương cách để giác tính hướng mình đến kinh nghiệm. Do đó chất thể chỉ đơn thuần biểu thị những gì được các mô thức của trực quan và giác tính quy định ở trong kinh nghiệm, vì vậy, chất thể là một thuật ngữ của sự phản tư về “các sự vật tự thân xuất hiện ra” (PPLTTT, A 268/B 324), chứ không phải là một hiện tượng đơn thuần hoặc một vật tự thân.
Trong PPLTTT, chất thể được phân biệt với bản thể hay với cái thường tồn trong kinh nghiệm, vì nó “không có nghĩa là một loại bản thể hoàn toàn khác biệt và dị tính với đối tượng của giác quan bên trong (linh hồn), mà chỉ có sự khác nhau về loại của những hiện tượng về những đối tượng - không nhận thức được đối với ta về mặt tự thân - mà những biểu tượng về chúng được ta gọi là những biểu tượng bên ngoài” (PPLTTT, A385). Thực vậy, cái được gọi là chất thể không gì khác hơn là các kết quả trong giác quan bên ngoài của “những biến đổi về vị trí”, trong khi các lực thấm nhuần chất thể không gì khác hơn “là nỗ lực đơn thuần quy về các mối quan hệ trong không gian như là các kết quả của chúng” (A 386). Chất thể cũng không phải là một vật tự thân; với tư cách là một khái niệm phản tư, nó “không ở trong số những đối tượng của giác tính thuần túy” và cho dù ta có xét đến nó như thế, “đối tượng siêu nghiệm có thể làm nền tảng cho hiện tượng mà ta gọi là vật chất chỉ là một cái gì đó mà ta không hiểu gì về bản tính của nó, dù có ai đó tự cho rằng có thể truyền đạt cho ta” (A 277/B 333). Khái niệm phê phán (của Kant) về chất thể quả thực đã tước bỏ toàn bộ những phẩm cách vốn được gán cho khái niệm này trong lịch sử triết học, nghĩa là, vừa không phải là “vật chất tự thân” (hyle) vừa không phải bản thể vật chất làm nền tảng cho các tùy thể.
Tuy nhiên, với SHHTN, Kant dành trọn quyển sách để bàn về vật chất, hay đúng hon là bàn về “những nguyên tắc cho sự cấu tạo các khái niệm thuộc về khả thể của vật chất” (SHHTN tr. 472, tr. 9), cụ thể là những nguyên tắc đi trước mọi nỗ lực áp dụng toán học vào cho “học thuyết về vật thể’ hay khoa học tự nhiên. Theo những đề mục của bảng các phạm trù, Kant trình bày “tất cả những sự quy định của khái niệm phổ quát về vật chất nói chung, và do đó tất cả những gì có thể được suy tưởng tiên nghiệm về nó” (SHHTN tr. 476, tr. 12). Ông mô tả cách tiến hành của mình như một cách vận hành “khái niệm về vật chất thông qua tất cả bốn chức năng của các khái niệm của giác tính” (tr. 476, tr. 13). Sự quy định cơ bản của vật chất đối với cảm năng của ta là sự vận động, và vì thế, “tất cả những thuộc tính gắn liền với bản tính của vật chất” có thể được truy nguyên đến “sự vận động này” (tr. 477, tr. 14). Vì thế vật chất được phân tích dựa vào sự vận động: đầu tiên, bằng chuyển động học, như là một lượng vận động thuần túy, sau đó bằng động lực học như là chất của sự vận động như là sự biểu hiện của một lực, sau đó lại bằng cơ học, về tương quan của các bộ phận đang chuyển động của vật chất với nhau, và sau cùng bằng hiện tượng học, như là “sự vận động hoặc sự đứng yên của vật chất được quy định chỉ liên quan đến phương cách của sự hình dung thành biểu tượng hay tình thái, tức là, như là một hiện tượng của các giác quan bên ngoài” (tr. 477, tr. 15).
Mai Thị Thùy Chang dịch