Yếu tố (các) [Hy Lạp: stoicheion; Đức: Elemente; Anh: elements]
Thoạt đầu, chữ “các yếu tố” trong tiếng Hy Lạp là để chỉ những mẫu tự của bảng chữ cái, nhưng nghĩa này đã được các nhà triết học tiếp thu theo nghĩa những nguyên tắc cơ bản, không có tính phái sinh (không được rút ra từ nơi khác)
Những nguyên tắc này đi từ bốn yếu tố vật chất trong vũ trụ học Hy Lạp cổ đại cho đến những yếu tố của môn học trí tuệ như hình học. Vì vậy trong Bình luận vê Euclid của Prolus, các yếu tố đã được định nghĩa như là “những định lý mà sự hiểu biết về chúng dẫn đến sự nhận thức về những định lý còn lại và nhờ đó giải quyết được những khó khăn trong bản thân các định lý”. (Proclus, 1970, tr. 59).
Prolus nói tiếp rằng, giống như những mẫu tự của bảng chữ cái, các yếu tố không có nghĩa ở bên ngoài việc sử dụng chúng; nghĩa của chúng được xác định bởi trật tự (taxis) và vị trí (thesis) chúng chiếm giữ trong quan hệ với nhau.
Mặc dầu Kant bàn về những yếu tố vật lý trong những văn bản thời kỳ đầu như LSTN và DTLVL, (nhưng) việc sử dụng chủ yếu của Kant về thuật ngữ này là ở trong các tiết của hai quyển phê phán đầu (PPLTTT, PPLTTH) liên quan đến việc trình bày các yếu tố cơ bản của phán đoán lý thuyết và phán đoán thực hành
Theo đó, hai quyển phê phán trên được chia thành “Học thuyết siêu nghiệm vê các yếu tố” và “Học thuyết vê phương pháp”; trong phần trước, Kant tìm cách xác lập các yếu tố cơ bản, không được phái sinh (không thể rút ra từ nơi khác) của phán đoán, hoặc đó là những mô thức của trực quan và những khái niệm thuần túy của giác tính cho phán đoán lý thuyết hoặc là quy luật luân lý cho phán đoán thực hành.
Cần nói thêm rằng Kant đã ý thức rõ rằng các yếu tố này là vô nghĩa nếu thoát ly khỏi việc sử dụng chúng trong phán đoán, và trái ngược với ý kiến của nhiều nhà phê phán, Kant không có ý định dùng học thuyết về các yếu tố để mang lại cơ sở cho một lý thuyết duy lý, tổng thể về phán đoán.
Trần Kỳ Đồng dịch