Ấn tượng [Đức: Eindruck; Anh: impression]
Xem thêm: Tác động, Tâm thức (Gemüt), Thụ nhận (tính, sự), Phản tư, Cảm năng,
Ân tượng-cảm tính là nguồn suối chính yếu của kinh nghiệm và nhận thức đối với các triết gia hoài nghi và các triết gia duy cảm cổ điển chống Platon như Democritus, Lucretius và Pyrrho chẳng hạn. Diogenes Laertius tường thuật rằng các nhà khắc kỷ xem ấn tượng và tri giác cảm tính là cái có trước tư duy và là nguồn gốc của “một tiêu chuẩn quyết định chân lý của sự vật”. Họ cũng phân chia ấn tượng tùy theo chúng thuộc giác quan hoặc không thuộc giác quan, một sự phân biệt được những người kế tục ở thời hiện đại là Locke và Hume phát triển thành sự phân biệt giữa ấn tượng cảm tính và ấn tượng phản tư. Với Kant, khái niệm “ấn tượng” đã trở nên nổi trội trong quyển CSPĐ thời kỳ tiền-phê phán, ở bản văn này, điều Kant quan tâm nhất là bảo vệ những ranh giới thích đáng giữa kinh nghiệm “thực” và kinh nghiệm “tưởng tượng”. Tuy chưa được phát triển, nhưng “ấn tượng” vẫn hiện diện rõ rệt trong nghiên cứu của Kant về tính thụ nhận của cảm năng, ở đó nó có vai trò như Cổ sở của tri giác, tức như là chất liệu của tri giác bằng giác quan. Trong quyển LA chẳng hạn, sự phát hiện rằng không gian và thời gian là những yếu tố mô thức của trực quan được xác định bằng cách cho rằng chúng - và những phưong diện mô thức khác của nhận thức - không được rút ra từ những ấn tượng cảm giác như là “những ấn tượng được phản tư”, trái lại, chỉ được kích thích và khởi động bởi chúng; thông qua chúng, tâm thức “kết hợp những ấn tượng cảm giác lại với nhau do sự hiện diện của một đối tượng gây ra, theo một phưong cách cố định” (§15). Những ấn tượng vẫn có một địa vị tưong tự trong quyển PPLTTT, tại đây tính thụ nhận của tâm thức (qua đó những đối tượng được mang lại cho ta) được xác định là “tính thụ nhận những ấn tượng” (A 50/B 74). Đối với “thuyết duy tâm phê phán” của Kant thì điều cần thiết là duy trì những ấn tượng trong hình thức nào đó để tránh gặp “vỏ dưa” của thuyết “duy tâm tuyệt đối”, nhưng chúng cũng phải được xem là thứ yếu thôi để tránh đụng “vỏ dừa” của thuyết duy nghiệm.
Mai Thị Thùy Chang dịch