Tôi (cái) [Đức: Ich/Ego; Anh: I/ego]
Trong tiếng Đức thông thường, ich (tôi) là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, phân biệt với du (bạn), er/sie (anh/chị ấy), v.v. Nhưng nó cũng tạo ra danh từ das Ich (cái Tôi), quy chiếu đến TÍNH CÁ NHÂN hay ego (bản ngã) của một người (tương phản với das Nicht-Ich (cái không-tôi)), hoặc biểu thị một phần trong tính cá biệt của người ấy chẳng hạn besseres Ich (cái Tôi tốt đẹp hơn). “Cái Tôi” không còn tương phản với “bạn”, “anh/chị ấy”, v.v. nữa, vì tôi có thể nói về “cái Tôi của bạn” và “cái Tôi của anh/chị ấy” cũng như về “chính cái Tôi của tôi”; nó cũng có số nhiều, chẳng hạn, ta có thể nói rằng mọi người đều có hai cái Tôi (một cái Tôi thông thường và một cái Tôi tốt đẹp hơn).
Ta cũng có thể gán những đặc tính, trạng thái và hoạt động cho loài vật và những đối tượng vô tri vô giác cũng như cho con người. Nhưng chỉ duy con người ở một độ tuổi nào đó mới có thể gán những đặc tính, v.v. cho bản thân mình bằng cách sử dụng chữ “Tôi”. Cả người Hy Lạp cổ đại cũng đã có thể làm được điều này, nhưng theo Hegel, cái Tôi chỉ trở thành một chủ đề minh nhiên trong triết học qua “Cogito, ergo sum” [“tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”] của Descartes. Theo quan niệm của Descartes, cái Tôi không bao hàm mọi đặc tính mà một người có thể gán cho bản thân mình bằng cách sử dụng chữ “Tôi”, mà chỉ bao hàm tư tưởng của con người, gồm cả những trạng thái tinh thần mà người ấy có thể xác tín trực tiếp, nhưng không bao hàm những trạng thái cơ thể của người ấy, v.v. Do đó, Descartes suy ra rằng cái Tôi là một bản thể tư duy (res cogitans), có thể được gán cho những đặc tính như tính bản thể và sự bất tử. Việc Hume không tìm được một bản thể tư duy nào khi ông nhìn vào bên trong chính mình, hay không tìm được bất kỳ ấn tượng nào tương ứng với cái Tôi, đã dẫn ông đến chỗ không những phản bác bản thể tư duy mà phản bác cả cái Tôi xét như cái Tôi (tức cái Cogito). Tuy nhiên, Kant đã lập luận rằng, dù cái Tôi không phải là một thực thể mang tính bản thể, cái Tôi hay cái “Tôi tư duy” là tiền đề cho mọi BIỂU TƯỢNG (Vorstellungen/Anh: representations theo nghĩa rộng) của ta, và nhất thiết phải có thể đi kèm với mọi biểu tượng ấy. Cái Tôi lúc này loại trừ mọi trạng thái tinh thần cũng như thể chất, vì nó chỉ đơn thuần là chủ thể của KINH NGHIỆM. Bất kỳ điều gì tôi gán cho mình qua việc sử dụng chữ “Tôi” thì ipso facto (tự bản thân sự việc) đều là vị từ hay đối tượng của cái Tôi, chứ không phải là bản thân cái Tôi. Cái Tôi theo nghĩa này mang lại điểm xuất phát cho “lý thuyết nhận thức” của Fichte (và Schelling). Nhưng giờ đây, nơi Fichte và Schelling, cái Tôi, thoạt đầu, không tương phản với cái Tôi của những cá nhân khác hoặc với một cái Không-Tôi: nó đi trước sự dị biệt hóa giữa cái Tôi và cái Không-Tôi, cũng như giữa những cá nhân riêng lẻ. Nó là một lực sáng tạo làm phát sinh một cái Không-Tôi và bản thân sự phân biệt giữa “tôi” và “bạn”; nhưng nó làm vậy là nhờ vào những khó khăn lô-gíc nằm trong một cái Tôi không-tưong phản, bao quát-toàn bộ ấy. Cái tôi được Fichte, và thường được Hegel, quy chiếu đến như là “Tôi = Tôi”, đó là vì tất cả những gì có thể được gán cho nó chỉ là sự tự-đồng nhất, và vì, về bản chất, nó có tính tự-phản tư: nó chỉ hiện hữu và tự tạo ra chính mình là nhờ vào việc nó có ý thức về chính mình.
Hegel phản bác quan niệm rằng triết học, nhất là Lô-gíc học, phải bắt đầu bằng cái Tôi TUYỆT ĐỐI vì hai lẽ: hoặc cái Tôi = Tôi đòi hỏi sự TRUNG GIỚI có tính giải thích hoặc, nếu được xem như trực tiếp, thì tư ổng đưong với TỒN TẠI thuần túy (BKTI, §86). Dù vậy, ông xem năng lực mà chỉ con người mới có trong việc thoát ly [TRỪU TƯỢNG HÓA] khỏi mọi đặc tính được quy định và tập trung sự hiện hữu của mình vào một điểm đon giản của tồn tại-CHO MÌNH bằng cách nói “Tôi” là có tầm quan trọng tối cao. Tự DO Ý CHÍ và Tự-Ý THỨC của ta bắt nguồn từ năng lực này. Nhưng, cái Tôi-ý thức, tức ý thức về sự tự-đồng nhất đon giản của mình, chỉ là khởi điểm của tự-ý thức và của TINH THẨN: tự-ý thức trọn vẹn đòi hỏi sự ý thức về chính mình như một cư dân trong số những cư dân khác của một thế giới được thấm nhuần bởi TINH THẦN.
Cái Tôi, theo quan niệm của Hegel, có một số đặc điểm sau đây:
(1) Cái Tôi, về bản chất, là có tính tự-phản tư: cái Tôi-ý thức là điều kiện cần và đủ để ta là (hay có) một cái Tôi. Vì thế, cái Tôi không phải là một VẬT, hay một BẢN THỂ.
(2) Cái Tôi, xét như cái Tôi, là PHỔ BIẾN theo nghĩa hoàn toàn vô- quy định: cái Tôi-ý thức và việc xưng “Tôi” thoát ly khỏi mọi đặc tính nhất định của tinh thần, thân thể và hoàn cảnh vật chất của mỗi người. “Cái Tôi” chia sẻ đặc tính này với “cái Này” và “cái Kia”, vì sự sử dụng “cái Này”, “cái Kia” cũng thoát ly khỏi mọi đặc tính nhất định của những đối tượng người hoặc không phải người đang bàn (HTHTT, I, “Ý THỨC”). Tuy nhiên, ta không thể áp dụng những từ ấy vào cho những đối tượng không phải người, và ta không thể, chẳng hạn, quan niệm chúng duy trì sự đồng nhất của mình qua những thay đổi sâu sắc về chất, trong khi ta vẫn có thể quy sự thống nhất ấy, dù trong trí tưởng tượng, cho chính mình và cho những con người khác.
(3) Cái Tôi là phổ biến theo nghĩa riêng biệt, nhưng có quan hệ với nghĩa trên, nghĩa là cái Tôi-ý thức và sự sử dụng chữ “Tôi” không thể “nhặt ra” một cá nhân đặc thù trong số những người khác, trừ phi ở trong TƯ KIẾN (Meinung) của sự xác tín cảm tính: vì ai ai cũng đều là một “cái Tôi” hay là “cá nhân đặc thù này”. Đây cũng là đặc tính mà cái Tôi chia sẻ chung với “cái Này”. Tính phổ biến của “cái Này” rất có ý nghĩa với Hegel: nó cho phép ông phản bác KINH NGHIỆM thô của sự XÁC TÍN CẢM TÍNH và phản bác việc người ta thách thức ông diễn dịch ra sự hiện hữu của những đối tượng cá biệt (HTHTT, I, và TCPP) [nhắc đến thách thức của Krug. Xem mục từ: “Tập san Phê phán Triết học”. N.DJ. Tuy nhiên, tính phổ biến của “cái Tôi” còn một ý nghĩa phụ trội: Tôi chia sẻ điểm cốt lõi của TƯ DUY thuần lý với mọi người khác, và khi tôi tập trung đơn độc vào điều này thôi, tức trừu xuất khỏi mọi đặc điểm cá nhân về tinh thần và thể chất, tôi đánh mất mọi nghĩa về bản thân mình như một cá nhân đặc thù và, nhất là trong khi tiến hành lô-gíc học, tôi trở nên hoàn toàn bị hấp thu vào “Sự VIỆC” của tôi. [Xem mục từ: Sự vật và Sự việc. N.D].
(4) Nhưng không ai có thể chỉ là một cái Tôi-tự ý thức: cái Tôi-ý thức nằm trong một cơ thể thuộc loại xác định nào đó. Nó cũng làm cho có ý thức về thế giới tách biệt với chính nó, và bị ý thức ấy buộc phải làm như vậy, tức tách biệt với một thế giới mà cái Tôi, khi đi cùng với những cái Tôi khác, phải vượt bỏ rồi quay trở lại với chính mình xét như là Tinh thần. Cái Tôi, vì thế, là một cái phổ biến tích cực, đang hoạt động, mà về bản chất, chứa đựng cả TÍNH ĐẶC THỪ và TÍNH CÁ BIỆT, do đó, là một cái phổ biến CỤ THẾ (theo một trong nhiều nghĩa của cụm từ này).
Vì cái Tôi là hoàn toàn phổ biến và tuy vẫn cần có một cái khác để nó vượt bỏ, rồi từ sự vượt bỏ ấy quay trở về với chính mình, nên Hegel đồng hóa cái Tôi với KHÁI NIỆM, vốn cũng là cái hoàn toàn phổ biến và phải phát triển thành tính đặc thù và tính cá biệt. Dù vậy, sự đồng hóa này không những phụ thuộc vào việc Hegel tin rằng cái Tôi là minh họa tốt nhất cho khái niệm (chẳng hạn, minh họa tốt hơn so với minh họa về hạt mầm của một cái cây), mà còn phụ thuộc vào việc ông tin rằng cái Tôi, về căn bản, là đồng nhất với những tư tưởng hay khái niệm phổ biến mà nó sử dụng: tôi không thể gián cách hoàn toàn bản thân tôi khỏi tư tưởng của tôi, giống như tôi có thể gián cách mình với những ham muốn và tri giác của mình - chẳng hạn bằng cách giả định rằng chúng có thể là hoàn toàn khác với những gì chúng ta đang tồn tại hoặc bằng cách xem chúng như những lực xa lạ đang giam cầm tôi trong sức mạnh của chúng - vì bản thân cái Tôi-ý thức, và hành vi gián cách bản thân mình với những gì được xem là Không-Tôi, chứa đựng tư tưởng về cái Tôi và những tư tưởng khác, như tư tưởng về sự khác biệt. Vì thế, sự phát triển của cái Tôi đi từ ý thức đến tự-ý thức trọn vẹn cung cấp cho Hegel một mô hình cho cấu trúc của thế giới được ông mô tả trong HỆ THỐNG của mình: khái niệm hay ý niệm lô-gíc được đặt đối lập với tự nhiên, tức với cái ở cấp độ thấp hon vốn tương đối xa lạ với tư tưởng, nhưng tăng tiến lên qua nhiều cấp độ để đạt đến cấp độ tinh thần của con người, tức cấp độ dần dần lĩnh hội tự nhiên và cuối cùng, trong triết học, đạt đến một sự ý thức về khái niệm hay về ý niệm lô-gíc. Hegel có xu hướng đánh đồng cái Tôi vũ trụ này và sự phát triển của nó với THƯỢNG ĐẾ.
Hoàng Phú Phương dịch