KỲ VỌNG
[VI] KỲ VỌNG
[FR] Niveau d' aspiration
[EN] Aspiration level
[VI] Là ham muốn, hy vọng, mục đích muốn đạt tới khi làm một công việc với ít nhiều tham vọng. Đo mức kỳ vọng bằng cách so sánh với kết quả thực tế đạt được, và đây cũng là đánh giá một nét nhân cách. Mức kỳ vọng rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến ứng xử của người ta, khiến người ta tìm mọi cách để đạt được mục đích. Kỳ vọng phụ thuộc vào những yếu tố cá thể cũng như xã hội; nó đòi hỏi phải biết mình, biết rõ điều kiện cần thiết trong tầm tay, nếu không sẽ “trèo cao ngã đau”. Có những test về mức kỳ vọng cho phép dự đoán ứng xử trong những tình huống thực tế.
NGUYỆN VỌNG,KỲ VỌNG
[VI] NGUYỆN VỌNG, KỲ VỌNG
[FR] Aspiration
[EN] Expection
[VI] Ước mong đạt một thành tích hay một tình trạng nào đó, và có cố gắng ít nhiều để đạt mục tiêu, là nguyện vọng. Chờ đợi bản thân hay người khác đạt một thành tích nào đó là kỳ vọng. Để ước lượng “mức độ nguyện vọng” (niveau d' aspiration), đặt câu hỏi: anh mong đạt đến như thế nào? Về mức độ kỳ vọng, thì hỏi: anh cho rằng có thể đạt đến mức nào? hoặc chờ đợi người kia đạt đến mức nào? Đặt đương sự vào một tình huống nhất định, nhằm một mục tiêu có thể định lượng, cho tự đặt ra mục tiêu nhằm đạt được, như vậy có thể thăm dò tính năng động, khả năng hoạt động và hệ thống giá trị của người ấy. Lúc trẻ em vào 2-3 tuổi từ chối không cho người lớn giúp làm một việc nào đó, là bước đầu có “ nguyện vọng”. Sau 3 tuổi, giao cho một việc làm nhất định, như luồn một số vòng vào một cái que, có thể ước lượng mức độ nguyện vọng và kỳ vọng. Theo một vài tác giả, thì ở trẻ em ấm ức hẫng hụt, mức độ nguyện vọng cao và mức độ kỳ vọng thấp; ở trẻ em thoải mái (không ấm ức), mức độ nguyện vọng trung bình, và kỳ vọng cao; ở trẻ em được nuông chiều, mức độ nguyện vọng trung bình và mức độ kỳ vọng thấp.