Phân tích (sự) [Đức: Analyse; Anh: analysis]
Xem thêm: Phân tích pháp, Toán học, Phương pháp, Tổng hợp,
Trong công trình của mình, Kant kết hợp hai nghĩa của Analyse: một nghĩa được rút ra từ hình học Hy Lạp, nghĩa kia từ vật lý học và hóa học hiện đại [thời ông]. Cả hai nghĩa vẫn gần với nghĩa Hy Lạp nguyên thủy về sự phân tích như là một “sự nới lỏng ra” hay “tháo rời ra”, nhưng mỗi nghĩa tiến hành theo những cách khác nhau. Cái trước tiến hành “một cách tiên đê hóa” bằng cách giả định một mệnh đề là đúng và đi tìm một chân lý đã biết khác có thể diễn dịch ra mệnh đề ấy. Cái sau tiến hành bằng cách phân giải những tổng thể phức hợp thành những yếu tố của chúng.
Diogenes Laertius nhắc đến Platon “là người đầu tiên đã giải thích cho Leodamus ở đảo Thasos phương pháp giải quyết các vấn đề bằng sự phân tích” (1925, Peri biõn dogmatõn kai apophthegmatõn tõn en philosophia eudokimẽsantõn [Những cuộc đời, những lời giảng dạy và những câu nói của các Triết gia nổi tiếng], tập I, tr. 299). Điều này không liên quan đến phương pháp phân chia tổng quát của Platon như đã được Proclus* nhấn mạnh trong Bàn vê Quyển I trong tác phẩm Các yếu tố của Euclid, ở đó sự phân tích được trình bày như một phương pháp nghiên cứu bằng các bổ đề [lemmas] (Proclus, 1970, tr. 165). Phươngpháp phân tích hình học này được Arnauld trình bày rõ nhất trong La logique ou I’Art de penser [Logic học hay Nghệ thuật Tư duy]: khi đối mặt với một vấn đề phải giải quyết, các nhà hình học thừa nhận [tính] chân lý của mệnh đề và kiểm tra các hệ luận của giả định này. Họ kết luận rằng cái được giả định thực tế sẽ là đúng, nếu trong suốt tiến trình kiểm tra họ đạt đến được một chân lý rõ ràng nào đó mà, từ chân lý này, có thể suy ra giả định ấy như một hệ luận tất yếu (Arnauld, 1662, tr.308). Sau khi tìm ra “chăn lý rõ ràng”, thì việc chứng minh mệnh đề có thể được trình bày lại một cách tổng hợp.
Phương pháp phân tích hình học riêng biệt được gán cho Platon song hành với một nghiên cứu tổng quát hơn bắt nguồn từ Vật lý học của Aristoteles. Trong vê sự sinh thành và sự tiêu vong [Latinh: De Generatione et Corruptione], Aristoteles mô tả một “sựphân tích” (mà ông cũng gán cho Platon) đi từ những cái phức hợp đến các yếu tố: “Platon mang sự phân tích của ông về “các yếu tố” trở lại với “các mặt phẳng” - dù chúng có là các vật rắn đi nữa” (Aristoteles, 1941, 329a, 24). Truyền thống Aristoteles đã nhấn mạnh phương cách phân tích này, sử dụng nó để biện minh cho việc chuyển từ Vật lý học sang Siêu hình học. Chẳng hạn, Aquinas đã mô tả “mục đích tối hậu của sự phân tích” là “đạt đến được các nguyên nhân tối hậu và đơn giản nhất, tức các bản thể tách biệt”, hay nói khác đi, là “xét tồn tại và các thuộc tính của tồn tại như là tồn tại” (Aquinas, 1986, tr. 72). Ở đây cũng thế, phân tích được đối lập với tổng hợp: phân tích đi từ “các kết quả đến các nguyên nhân”, còn tổng hợp thì đi từ “các nguyên nhân đến các kết quả”.
Dường như Descartes đã đề xuất một sự kết hợp nghĩa hình học và nghĩa quy giản của sự phân tích trong Thư hôi đáp sự phản bác thứ hai. Ông viết: “Sự phân tích chỉ ra cách thức đúng mà nhờ đó một sự vật được khám phá một cách có phương pháp (tức sự phân tích hình học) và, nếu có thể được, rút ra kết quả từ nguyên nhân (tức sự phân tích vật lý học)” (Descartes, 1968, Tập II, tr. 48). Ông cũng gợi ý rằng những người cổ đại che đậy phương pháp phân tích của họ đằng sau sự trình bày tổng hợp của họ như các tiên đề, các định đề và các định nghĩa. Khác với Aquinas và di sản kinh viện, Descartes không thấy có bất kỳ sự chuyển tiếp êm thấm nào giữa sự phân tích của Vật lý học và của Siêu hình học. “Cácý niệm căn bản” của siêu hình học “mâu thuẫn” lại với các giác quan, và vì thế chỉ có thể được phân tích chứ không được mang lại như một biểu tượng tổng hợp. Descartes bình luận: “Đây là lý do tại sao sách của tôi mang hình thức là các suy niệm chứ không phải là những sự bàn thảo triết học hay các định lý và các vấn đề của một nhà hình học”, mặc dù ông hẳn đã tỏ ra là không nhất quán về điểm này.
Theo sau Descartes, sự kết hợp giữa phân tích hình học và phân tích vật lý học được xem là đương nhiên, mặc dù vẫn có những sự phát triển xa hơn. Spinoza, trong một bức thư gửi Heinrich Oldenburg, nhắc đến sự phân tích hóa học của Boyle về Kali nitrat [KNO3], một thí nghiệm không chỉ nhắm đến việc phá bỏ các học thuyết kinh viện về bản thể, mà còn đến việc du nhập ẩn dụ về sự phân tích hóa học vào trong triết học. Newton và Leibniz cũng mở rộng nghĩa của sự phân tích để bao hàm sự phát triển của họ về phép tính. Trong Principia mathematica [Các nguyên lý toán học], Newton che đậy “phương pháp” phần tích “vê các vi phân” của mình đằng sau một sự trình bày tổng hợp hình học, trong khi Leibniz công khai nỗ lực mở rộng “sựphân tích” để bao hàm analysis situs [phân tích vị trí], một điềm báo trước của Tô pô học [Topology] (1976, tr. 254 - 259).
Trong khi mọi sự thay đổi này về nghĩa của sự phân tích đã cung cấp cho Kant cách dùng của thuật ngữ này [analysis], thì điều này bị chi phối chính yếu bởi một sự xóa bỏ không chỉ sự phân tích hình học và vật lý học mà còn xóa bỏ cả các phương pháp khám phá và trình bày. Trong THTN, Kant phân biệt giữa Toán học và Triết học bằng các phương pháp của chúng trong việc đạt đến sự chắc chắn: Toán học sử dụng phương pháp tổng hợp; triết học sử dụng phương pháp phân tích (THTN, tr. 276, 248). Triết học phân tích các khái niệm “mù mờ và được xác định một cách không đầy đủ”, và tiến hành qua hai giai đoạn: trước hết làm sáng tỏ các đặc tính của chúng và sau đó xác định mối quan hệ qua lại của các đặc tính đó.
Ở giai đoạn này, Kant giới hạn triết học vào sự phân tích, khi ông phê phán việc Wolff sử dụng hình thức hình học của sự trình bày tổng hợp. Trong khi tránh việc trình bày theo kiểu hình học, thì phân tích triết học, với tư cách là một phương pháp khám phá, lại đi theo các trình tự có tính tiên đề của sự phân tích hình học. Kant minh họa phương pháp phân tích bằng ví dụ về thời gian: “Ý niệm về thời gian phải được kiểm tra trong mọi loại quan hệ nếu các dấu hiệu đặc trưng của nó được khám phá bằng biện pháp phân tích [sự làm sáng tỏ]: các dấu hiệu đặc trưng khác nhau đã được trừu tượng hóa phải được kết hợp lại với nhau để xem liệu chúng có mang lại một khái niệm tương xứng [sự quy định] hay không” (THTN, tr. 277, 249). Bằng cách tiến hành thông qua những ví dụ, những đặc tính và những sự kết hợp mang tính giả thuyết, Kant theo đuổi - giống như các nhà hình học - việc khám phá các yếu tố bản chất. Ông cho rằng việc sử dụng bất kỳ trình tự nào khác là phụ thuộc vào “sự tình cờ may mắn” nhờ đó các đặc tính và các sự quy định được mang lại tỏ ra là những đặc tính và những sự xác định đúng.
Kant làm rõ sự phân biệt giữa phân tích hình học và phân tích vật lý học trong LV, khi ông đặt ngang hàng sự phân tích triết học với sự phân tích quy giản. Sự phân tích triết học không đơn thuần tiến hành từ các kết quả đến các nguyên nhân, mà thay vào đó là khám phá các bộ phận khả hữu của một khái niệm được mang lại thông qua giả thuyết: “Sự phân tích, xét theo nghĩa đầu tiên của nó, là một sự quy thoái từ cái được đặt nên tảng đến cái nên tảng, trái lại, xét theo nghĩa thứ hai, là một sự quy thoái từ một cái toàn bộ đến các bộ phận khả hữu hoặc trung gian của nó” (LV §1). Sự phân tích triết học không tiến hành để tìm kiếm một [quan hệ] thứ bậc nhân quả hay mang tính nguyên tắc, mà thông qua thí nghiệm và giả thuyết để tìm cách xác định các đặc tính sơ đẳng [các chất cơ bản] và các sự kết hợp khả hữu của chúng.
Hình thức hình học của sự phân tích thấm nhuần sâu sắc trong cuốn PPLTTT, mặc dù trong SL, sự hiện diện của nó đã bị che khuất bằng sự phân biệt của Kant giữa các hình thức trình bày mang tính tổng hợp và mang tính phân tích. Trong SL, Kant mô tả cuốn PPLTTT như “được tiến hành theo phong cách tổng hợp” và cuốn SL như “được phác họa theo phương pháp phân tích”. Thực ra, hai phương cách trình bày đi theo các hướng khác nhau: một đi từ “các nguyên tắc đến các hệ luận, hay từ cái đơn giản đến cái đa hợp” trong khi phương cách kia “bắt đẩu bằng cái có điều kiện và bằng cái gì được đặt nên tảng và tiếp tục cho đến các nguyên tắc” (L, tr. 639). Sự phân tích như “phươngpháp khám phá” đi theo một trình tự khác: giống như các nhà hình học Hy Lạp khám phá những sự chứng minh của họ bằng cách phân tích nhưng lại trình bày chúng một cách tổng hợp (PH, tr. 191, 111), thế nên, Kant cũng thực hiện các khám phá của ông thông qua sự phân tích, nhưng trình bày chúng trong hình thức tổng hợp.
Do đó, sự phân tích được trình bày trong PPLTTT như một trình tự mang tính tiên đề: giả định các hình thức của các phán đoán, rồi sau đó xác định các yếu tố và các sự nối kết làm cho chúng có thể có được. Vì vậy, trong “Lời dẫn nhập”, sự phân tích được phân biệt với “học thuyết” (tức cái sẽ là một hình thức của sự trình bày), và được mô tả như là một “phê phán siêu nghiệm”, “một hòn đá thứ về giá trị hoặc vô giá trị của mọi nhận thức tiên nghiệm” (PPLTTT, A 12/ B 36). Sự phân tích tiến hành bằng cách đặt giả thuyết cho các đặc tính và các sự nối kết khả hữu để xem chúng tương hợp với nhau như thế nào.
Phương thức phân tích này được minh họa bằng sự diễn dịch trong “Ẩn bản B”, bắt đầu bằng việc khám phá rằng “sự nỗi kết” hay tính chất của sự nối kết khái niệm và trực quan là mang tính nền tảng. Sau đó, Kant phân tích sự nối kết và phát hiện trong sự nối kết này “tác vụ của một chủ thề’ và một sự thống nhất vượt ra khỏi phạm trù. Dựa theo sự khám phá các đặc tính này, cần thiết phải đặt giả thuyết về những sự quy định, hay về những mối quan hệ giữa chúng, nhờ đó Kant lần theo “manh mỗi” của bảng các phán đoán. Ông thêm vào một vòng xoắn đặc trưng sâu sắc hơn bằng cách khẳng định rằng nếu sự phân tích thực hiện việc phân tích chính nó, ắt nó sẽ thấy chính nó được cấu thành bởi sự nối kết “vì chỉ nhờ có giác tính đã nối kết mới mang lại cho năng lực biểu tượng một cái gì đó để có thể phân tích” (PPLTTT B 130).
Thuật ngữ “phân tích” được sử dụng rộng rãi ở thế kỷ XX và thường được phóng chiếu ngược trở lại Kant một cách không chính đáng. Hầu hết cách dùng đương đại, trích lời của Wittgenstein, “dao động giữa khoa học tự nhiên và ngữ pháp” (Wittgenstein, Philosophical Investigations, 1953, §392) và phần lớn là coi nhẹ phương pháp hình học của sự phân tích mà Kant sử dụng. Freud, chẳng hạn, trong khi cho rằng cách sử dụng thuật ngữ “phân tích” của ông là giống với [sự phân tích] hóa học, thì cũng giống như Kant khi tìm kiếm các “đặc tính” được làm sáng tỏ và “các quan hệ xác định của chúng”: “chúng tôi chỉ ra cho bệnh nhân những động cơ mang tính bản năng này, tức những điều đang xuất hiện trong các triệu chứng của họ và là những điều mà cho đến nay họ vẫn chưa ý thức được - cũng giống như một nhà hóa học cô lập bản chất nền tảng, “nguyên tố” hóa học khỏi [chất] muối mà trong đó nguyên tố này đã được kết hợp với các nguyên tố khác” (Laplanche và Pontalis, 1973, tr. 368). Chương trình “nghiên cứu ngữ pháp” gây nhiều ảnh hưởng của Wittgenstein đã phân tích các hình thức diễn đạt thông qua một tiến trình “giống như một tiến trình tháo rời một sự vật ra” (Wittgenstein, 1953, §90) mặc dù không giống như Kant và Freud, Wittgenstein không tìm kiếm “các đặc tính” hay “các [chất] muối” tương tự mà hài lòng với việc nêu ra các mối quan hệ nhất định. Tuy nhiên, sự phân tích toán học (ví dụ, sự nghiên cứu về các tính chất của các hàm liên tục), ít liên quan với Kant và có dấu vết phả hệ học của nó trong hình học và sự phát triển phép tính của Descartes.
Hoàng Phú Phương dịch