Quyền lực [Đức: Macht; Anh: Power]
Habermas quan tâm đến sự sử dụng và sự lạm dụng quyền lực chính trị trong suốt sự nghiệp của mình. Trong các công trình đầu tiên, và đặc biệt trong phạm vi lý thuyết về những lợi ích hay quan tâm về nhận thức/cognitive interests, quyền lực được bàn như một trong những yếu tố cấu thành nên sự tồn tại xã hội của con người, vì con người có lợi ích căn bản trong việc bãi bỏ sự thực thi quyền lực vô lý (Habermas, 1971a). Trong các công trình hậu kỳ, Habermas chuyển sang vấn đề sự thực thi quyền lực được biện minh như thế nào (1976b), và trong phạm vi cách tiếp cận lý thuyết hệ thống/systems theory, đặc trưng cho các nghiên cứu như The Theory of Communicative Action /Lý thuyết về hành động giao tiếp, quyền lực được lý thuyết hoá như một trong những phương tiện điều hướng phi biểu trưng/non-symbolic steering media mà qua đó các xã hội phức hợp được tổ chức (1987).
Trong các tác phẩm sơ kỳ, Habermas tiếp cận quyền lực như một thứ làm tổn hại sự tự trị của các cá nhân và các nhóm xã hội. Ở mức độ đơn giản nhất, điều này được hiểu như phương thức trong đó người chủ cưỡng chế và hạn chế hành động của người nô. Rõ ràng, nếu người hầu phải làm những gì mà người chủ ra lệnh thì anh hay chị ta không thể hành động dựa trên sáng kiến của bản thân. Theo cách tinh tế hơn, tiếp nối các công trình của Karl Marx, Habermas đề xuất rằng bản chất cưỡng bức của quyền lực trong các xã hội tư bản/capitalist nằm ở thực tế rằng nó bị che đậy. Trong khi các giai cấp thống trị ở các xã hội tiền tư bản sử dụng quyền lực một cách công khai để cưỡng ép và bóc lột các giai cấp bị trị, thì trong phạm vi của chủ nghĩa tư bản, các tiến trình bóc lột và thống trị bị che giấu bởi sự công bằng và tính tất yếu bề ngoài của sự trao đổi ngoài thị trường. Giai cấp cai trị trong phạm vi chủ nghĩa tư bản có thể tự thuyết phục rằng nó không cai trị, vì những cơ chế qua đó nó bóc lột giai cấp phụ thuộc được che giấu trong các quá trình trao đổi hàng hoá. Các nhà tân Mác-xít như György Lukács và xa hơn là Trường phái Frankfurt/Frankfurt School cho rằng quá trình che đậy này xâm nhập vào chính những cách nghĩ phổ biến trong chủ nghĩa tư bản. Ngôn ngữ và tư tưởng của chúng ta bị làm méo mó, khi quyền lực ức chế một cách có hệ thống khả năng phản tư có tính phê phán về các cội nguồn thực sự của quyền lực chính trị (xem sự vật hoá/reification). Chính xác là vì sự hiện hữu của quyền lực đang ức chế khả năng tư duy hợp lý tính của con người, nên nó cũng ngăn cản khả năng con người đưa ra những quyết định tự trị, hợp lý tính về những hành động của mình. Do đó, con người quan tâm đến việc được giải phóng khỏi sự áp bức chính trị.
Khi Habermas bắt đầu từ bỏ mô hình này của lý thuyết phê phán/critical theory, càng ngày ông càng đi đến chỗ xem quyền lực giống như nguồn lực hay cơ chế vốn luân chuyển quanh xã hội. Trong khi vẫn xem sự lạm dụng quyền lực là có hại, ông trở nên quan tâm nhiều hơn đến những cơ chế xã hội làm nảy sinh sự lạm quyền đó, và sự đối phó vẫn tồn tại để thách thức nó. Vì thế, ở một cấp độ nào đó, sự thực thi quyền lực trở thành cái gì đó đòi hỏi sự hợp thức hoá/legitimation, và bằng cách đó dẫn đến không chỉ ở chỗ người phụ thuộc vào quyền lực chấp nhận rằng người nắm quyền có quyền sử dụng nó, mà còn ở chỗ những lý lẽ biện minh cho quyền đó phải là những lý lẽ tốt và thích hợp. Nếu sự hợp thức hoá chỉ là tra vấn về sự chấp nhận phổ biến thì sự biện minh cho sự thực thi quyền lực ắt hoàn toàn tuỳ theo từng trường hợp đặc thù. (Vì thế, nếu nô lệ tin rằng, theo các quy tắc của sự chinh phục quân sự, khi thua trận và trở thành tù nhân họ sẽ mất quyền tự do, thì sự chiếm hữu nô lệ trong trường hợp đó được biện minh). Habermas tìm kiếm các quá trình biện minh có thể được khiến cho trở nên phổ quát. Do vậy, nếu sự nô dịch hoá con người là sự xâm phạm quyền con người thì ngay cả nếu chính ta chấp nhận thân phận nô lệ của mình thì nó vẫn sai. Đó chính là dòng tư tưởng dẫn Habermas đến lý thuyết về đạo đức học diễn ngôn/discourse ethics và cả những thảo luận sau này của ông về pháp luật/law.
Ở cấp độ thứ hai, quyền lực là cơ chế cho phép vận hành các xã hội phức hợp. Ở vai trò phương tiện điều hướng phi biểu trưng, nó cung cấp các quy tắc theo đó các hệ thống phân cấp xã hội được tổ chức và theo đó người dân trong hệ thống phân cấp này hành động. Luận điểm của Habermas là quyền lực, cùng với phương tiện điều hướng phi biểu trưng khác chẳng hạn như tiền tệ/money, có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc tổ chức các hoạt động xã hội phức hợp hơn là có thể đạt được bởi các cá nhân sử dụng chỉ khả năng của họ để giao tiếp với người khác. Chẳng hạn, bộ máy quan liêu lớn gồm có, ít nhất, một loạt các phòng ban được xác định một cách khá chính xác, cùng với các quy tắc điều khiển các mối quan hệ giữa các phòng ban. Như thế, nếu viên quản lý cấp cao muốn thực hiện mục tiêu nhất định nào đó, anh/chị ta rất có thể phải ủy thác nhiệm vụ (và quyền lực để hoàn thành nhiệm vụ đó) cho các cấp dưới. Đến lượt các cấp dưới có thể phải uỷ thác cho các cấp dưới nữa, và v.v. Hành động uỷ thác được quy định bởi các quy tắc vốn xác định các phòng ban của những người quản lý có liên quan. Quan trọng nhất là nó đòi hỏi rất ít sự giao tiếp riêng tư giữa các phòng ban. Cũng không cần bất cứ nghi ngờ nào về những gì phòng ban khác có thể cũng như phải làm. Quyền ủy thác cũng không cần được biện minh (vì nó được sắp xếp theo bản chất của phòng ban), và v.v. Vì thế, quyền lực đơn giản hoá tương tác xã hội, kỳ cùng đến điểm quan trọng là các hành động của các cá nhân khác hoàn toàn có thể dự đoán được. Tôi ra lệnh, và bạn tuân thủ. Không liên quan đến chuyện liệu bạn có muốn hay bạn có đồng ý không. Bạn chỉ cần làm công việc của mình.
Mối quan tâm của Habermas—và đây chính là khám phá của ông trong nghiên cứu về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld—là những sự thực thi quyền lực như vậy, ngay cả khi ban đầu chính đáng (theo nghĩa những lý do tốt có thể được đưa ra cho sự tồn tại của phòng ban, và sự bổ nhiệm cá nhân nhất định cho phòng ban đó), vẫn có thể làm xói mòn sự giao tiếp và vì thế, một lần nữa, xói mòn sự tự trị. Đúng ra là vì chúng được tổ chức một cách có hệ thống, tức những công việc quản trị dựa trên lý tính công cụ. Đây lại là một điểm quan trọng rằng, bất cứ ai trong phạm vi một bộ máy quản trị thường liên hệ với cấp trên hay cấp dưới của họ bằng tính khả dĩ tiên liệu của hành động. Các quyết định có thể được thảo luận bằng sự đóng góp hiệu quả đối với sự hiện thực hoá dự án đã đưa ra. Nhưng, nếu sự quản trị không đòi hỏi hành động giao tiếp và lý tính giao tiếp/communicative reason, thì những triển vọng cho việc tranh biện giá trị của dự án tổng thể bị kiềm chế nghiêm trọng. Sự gắn kết của quản trị đối với lý tính công cụ làm cho nó vô cảm đối với những loại thách thức và sự biện minh vốn là điển hình của lý luận giao tiếp. Vì thế, chẳng hạn, các cơ quan hoạt động nghệ thuật ở Anh một thời gian dài than phiền về sự khó khăn khi biện minh cho hoạt động của họ trước chính phủ, cũng như việc nhận được tài trợ phù hợp và các hỗ trợ khác của nhà nước. Trong lĩnh vực của họ, họ có thể biện minh cho các tác phẩm nghệ thuật bằng giá trị nội tại và các khả năng biểu đạt của nó (và vì thế, có thể bằng yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim đối với sự trung thực/truthfulness). Mặt khác những việc quản trị của chính phủ sẽ tìm kiếm những biện minh có tính định lượng có thể được sử dụng để chứng minh sự sử dụng hiệu quả của các khoản tài trợ. Vì thế, các dự án nghệ thuật được biện minh không phải bởi các giá trị nghệ thuật mà bởi sự đóng góp của chúng vào du lịch và cán cân thanh toán, hay sự đóng góp vào các dự án phục vụ giáo dục và xã hội. Các hoạt động không thể tự biện minh như thế, nghĩa là tự biện minh một cách công cụ, sẽ bị loại trừ và sự tiếp tục tồn tại của chúng bị đe dọa.