Trừng phạt/Hình phạt và Tội ác [Đức: Strafe und Verbrechen; Anh: punishment and crime]
Hegel quen thuộc với nhiều nỗ lực khác nhau trong việc biện minh cho sự trừng phạt. Riêng một mình Plato đã giới thiệu nhiều lý thuyết: lý thuyết của Protagoras (trong đối thoại Protagoras), cho rằng con người bị trừng phạt là nhắm đến viễn tượng tưong lai, chứ không phải đến quá khứ, tức là, nhằm ngăn chặn cả người vi phạm lẫn những người khác trước những sự vi phạm trong tưong lai; lý thuyết của Socrates (trong đối thoại Cộng hòa), rằng trừng phạt người làm sai là có lợi cho họ, vì nó tăng tiến linh hồn của họ. Hegel quan tâm đến vấn đề trừng phạt từ THTT trở đi (trong đó, với luận văn TTKG, ông thảo luận về mối tưong quan giữa sự trừng phạt và định mệnh), và ông thấy rối mù trước việc có thể có nhiều cách biện minh khác nhau về nó. Trong PQTN, ông ghi nhận rằng sự trừng phạt có nhiều đặc điểm - buộc phải đáp trả một sự vi phạm, ngăn chặn sự vi phạm, thường cải thiện kẻ vi phạm -, và rằng một thể thức đon thuần thường nghiệm không thể biện minh cho việc chọn lựa một trong các đặc điểm ấy như là điểm cốt yếu hay mục đích của việc trừng phạt. Trong KHLG, ông cũng lưu ý đến sự tùy tiện khi lựa chọn một đặc điểm của hiện tượng trừng phạt cụ thể như là lý do chính của nó, trong khi những đặc điểm khác được xem như những gì tùy thuộc, bất tất. Những suy nghĩ tương tự cũng đã dẫn Nietzsche, trong Phả hệ của luân lý (1887) đến kết luận rằng “ngày nay không thể nói một cách xác định tại sao ta buộc phải trừng phạt: về mặt ký hiệu học, mọi khái niệm trong đó tập trung một tiến trình toàn bộ thì không thể định nghĩa được; chỉ có cái gì không có lịch sử thì mới có thể được định nghĩa”. Nhưng, Hegel tin rằng có thể mang lại một sự biện minh duy nhất [đúng] cho sự trừng phạt, phần bởi vì sự trừng phạt không đơn giản là một hiện tượng lịch sử, mà còn là bộ phận của một hệ thống pháp quyền; vị trí của nó trong hệ thống mang lại cho nó một ý nghĩa riêng biệt, phần khác vì, theo Hegel, có nhiều sự phản bác mạnh mẽ đối với một số lý thuyết nhất định về trừng phạt, nhất là đối với các lý thuyết về sự răn đe, ngăn chặn. Trong THPQ §§82-103, lập luận của ông diễn ra như sau:
Dưới tiêu đề của “Pháp quyền trừu tượng”, việc nghiên cứu về tài sản và hợp đồng dẫn đến sự xem xét về cái phi pháp (Unrecht). Sự phi pháp có ba hình thức: (1) Sự phi pháp ngay tình [không cố ý], khi người phạm pháp vẫn tôn trọng pháp luật, nhưng phạm sai lầm khi áp dụng nó vào cho một trường hợp đặc thù, chẳng hạn, trong việc tranh cãi về tài sản; sự phạm pháp thuộc loại này phát sinh hành vi dân sự phải bồi thường, chứ không trừng phạt. (2) Lừa đảo, khi kẻ phạm pháp không thực sự tôn trọng pháp luật, mà cùng lắm chỉ tôn trọng vẻ ngoài (Schein) của luật pháp; mặc dù sự trừng phạt chỉ mới được đề ra sau này, nhưng Hegel thừa nhận rằng việc trừng phạt cho tội lừa đảo là thích đáng (THPQ §89A). (3) Cưỡng bức (Zwang) và tội ác (Verbrechen), trong đó vừa không tôn trọng luật pháp, vừa không tôn trọng cả vẻ ngoài của luật pháp, và vì thế, sự trừng phạt là thích đáng. Từ Verbrechen đến từ động từ verbrechen, nguyên là hình thức nhấn mạnh của động từ brechen (“bẻ gãy”/Anh: “to break”), có nghĩa là “phá vỡ, phá hủy, thủ tiêu”, vì thế, là “phá vỡ (hòa bình, lời thề hay một điều luật)”, và ngày nay là “phạm (một tội ác)”. Cho nên, Hegel sẵn sàng liên hệ tội ác với sự tổn hại và phá hoại.
Tại sao tội ác cần phải bị trừng phạt? Trước hết, Hegel bác bỏ một số cách trả lời:
(1) Quan niệm của Beccaria (trong On Crimes and Punishments, 1764, II) cho rằng quyền trừng phạt rút ra từ khế ước xã hội nguyên thủy, trong đó luật pháp và hình phạt cho việc vi phạm chúng là đã được thỏa thuận. Hegel cho quan niệm này là sai lầm, vì nhà nước không dựa trên một khế ước.
(2) Mục đích của trừng phạt không phải là để cải thiện về luân lý đối với kẻ vi phạm: một mục đích như thế (a) đòi hỏi phải trả lời cho câu hỏi trước đó: “Tại sao việc trừng phạt là công chính (gerecht)7." , bởi rõ ràng là không công chính khi trừng phạt, tức gây đau đớn cho con người mà không có sự đồng tình của người đó về việc cải thiện về luân lý (THPQ §99), và (b) là không thể thực hiện được, vì không thể nào buộc một con người phải thay đổi những sự xác tín về luân lý của họ (THPQ §94A). Theo Hegel, ý chí tự do - xét như bản thân nó - thì không thể bị cưỡng bách (THPQ §§5, 91). Trong THTG, ông phân biệt giữa sự sám hối trong Hội Thánh (Busse, liên quan với besser, “tốt hon”) có mục đích cải tiến và hối cải, với sự trừng phạt dân sự (bürgerliche), vốn không có mục đích ấy.
(3) Hegel liên kết thuyết răn đe, ngăn chặn với p. J. A. Feuerbach, trong Văn bản vẽ luật hĩnh sự thông dụng, 1801, cho rằng sự đe dọa trừng phạt sẽ dẫn đến việc không dám phạm tội nhờ sự “cưỡng bách tâm lý”. Nếu xem thường sự đe dọa, thì việc bắt phải chịu trừng phạt càng nhấn mạnh đến sự nghiêm trọng của sự đe dọa và làm cho nó càng hiệu nghiệm hon trong tư ổng lai. Nhưng, Hegel phản bác: (a) ta lại cần phải hỏi: “Điều gì cho phép ta có tư cách đưa ra sự đe dọa, và hon thế, để trừng phạt ai đó nhằm gia tăng sự hiệu nghiệm của nó?”; (b) đe dọa một ai đó là quên rằng người ấy là tự do và có thể hành động bất chấp sự đe dọa: “Đó là đối xử với con người như đối xử với một con chó, thay vì với sự tự do và tôn trọng dành cho người đó như một con người”. Do đó, các xem xét về việc răn đe có thể giữ một phần trong việc quyết định phạt vạ đối với một loại hình vi phạm nhất định, nhưng không giữ vai trò trong việc biện minh sự trừng phạt nói chung (THPQ §99A).
Các lý thuyết (2) và (3) (và mặc nhiên cả (1)) xem tội ác chủ yếu như là cái “ác” (ƯM/Anh: “evil”), không nhất thiết như là cái ác luân lý, nhưng như là “điều xấu”, độc lập với việc nó là một sự vi phạm pháp luật. Theo quan niệm ấy, pháp quyền hay luật pháp được giải thích bằng lòng mong muốn của ta nhằm tránh hay giảm thiểu những cái ác ấy Việc trừng phạt, theo Hegel, cũng là một cái “ác” khác, và việc trừng phạt chỉ có thể được biện minh bằng khuynh hướng muốn giảm thiểu cái ác thuộc loại trước (THPQ §99). Trong khi đó, Hegel tiến hành theo hướng ngược lại: pháp quyền trừu tượng được biện minh không phải bằng xu hướng của nó muốn giảm thiểu một loại cái ác nào trước đó, mà là làm cho con người trở thành những “nhân thân” (Person), tức chỉ xúc tiếp với “cái ác” của tội ác dựa vào tư cách là những nhân thân. Vì thế, những gì sai trái trong tội ác không phải là ở chỗ nó làm phật lòng hay gây bất tiện cho những nạn nhân của nó, mà ở chỗ nó là Unrecht (“phi pháp”), tức một sự tấn công vào pháp quyền xét như là pháp quyền, thường trong hình thái của sự tấn công vào một nhân thân đặc thù hay vào tài sản của họ. Tưong tự như thế, mặc dù sự trừng phạt thường là không làm hài lòng hay gây bất tiện cho kẻ vi phạm, nhưng đặc điểm trung tâm của nó là ở chỗ đó là sự khôi phục lại pháp quyền, là sự phủ định hay sự phủ định của phủ định hay sự phủ định pháp quyền được đại diện bởi tội ác. Câu hỏi cần đặt ra về sự trừng phạt, vì thế, không phải là: “Tàm sao biện minh được cái ác (thứ hai) này?”, mà là “Phải chăng đó là công chính (gerecht)?”. Câu trả lời cho câu hỏi này là một tiếng “vâng” tự động.
Nhưng Hegel không đon giản lập luận rằng việc vi phạm pháp quyền hay luật pháp ipso facto [từ bản thân sự việc] biện minh cho sự trừng phạt. Bởi ông đồng ý với Beccaria rằng người phạm tội phải đồng tình với sự trừng phạt, nếu sự trừng phạt là cần được biện minh (THPQ §100A). Nhưng người phạm tội đồng tình không phải do sự tán thành một khế ước xã hội, mà do chính bản thân hành vi phạm tội: trong System der Sittlichkeit (“Hệ thống của đời sống đạo đức”) viết từ thời 1802-03, Hegel còn cho rằng chính sự ân hận hay cắn rứt lưong tâm (schlechtes Gewissen/Anh: “bad conscience”) của người làm điều sai trái mang lại một “phản tác động” (Gegenwirkung) lý tưởng trước tội ác, hay sự đảo ngược (Umkehrung) của tội ác, kêu đòi phải được lấp đầy bằng một thứ “công lý báo thù” từ bên ngoài. Nhưng, trong THPQ [về sau này], ông lại nhấn mạnh đến những ngụ ý phổ biến của ý chí thuần lý của kẻ phạm tội hơn là nhấn mạnh đến việc bị lương tâm cắn rứt. Với tư cách là một hữu thể có lý tính, khi, chẳng hạn, lấy đi tài sản của ai đó, người phạm tội không chỉ đơn giản muốn rằng tài sản của nhân thân đặc thù này sẽ được anh/chị ta lấy đi, mà còn muốn một cách phổ biến rằng tài sản của bất kỳ người nào cũng có thể bị lấy đi, và, do đó, kể cả tài sản của anh/chị ta nữa (THPQ §100). Chính điều này đóng góp vào việc không chỉ biện minh cho việc trừng phạt đối với người phạm tội, mà còn biện minh cho hình phạt phải tỷ lệ thuận với sự vi phạm (THPQ §§96, 101). Vì khi vi phạm, người phạm tội muốn rằng một hành vi tương tự, hay ít ra là một hành vi tương đương phải được thực thi đối với anh/chị ta.
Vì lẽ đó, tội ác, một cách nội tại, là “vô hiệu” (nichtig/Anh: “null”) và “mâu thuẫn” ( THPQ §97 và Nhận xét): người phạm tội muôn rằng, chẳng hạn, tài sản anh/chị ta đã trộm cắp cũng phải được tước đi khỏi anh/chị ta. Vì thế, anh/chị ta có quyền để bị trừng phạt: trừng phạt anh/chị ta là đối xử với anh/chị ta như là một nhân thân tự do và có lý tính (THPQ §100). Sự trừng phạt thủ tiêu một cách minh nhiên một tội ác vốn đã là vô hiệu một cách mặc nhiên.
Trừng phạt hay hình phạt (Strafe) là sự đáp trả (Wiedervergeltung/ Anh: retribution), và vì thế, gần với sự báo thù (Rache/Anh: revenge). Trong các bài giảng về Triết học Tinh thần thời kỳ ở Jena (1805-06), Hegel cho rằng trừng phạt là “báo thù, nhưng với tư cách là sự công bằng (Gerechtigkeit)”. Nhưng, trừng phạt, khác với báo thù, là một sự hồi đáp tương ứng với một sự vi phạm được thừa nhận chống lại pháp quyền, sự hồi đáp, Hegel nhấn mạnh, của một quyền uy vô tư, được thừa nhận, chứ không phải của bản thân cá nhân bị tổn thương hay của thân tộc của người ấy. Báo thù, khác với trừng phạt, có thể dẫn đến sự trả thù vô tận. (Hegel chịu ảnh hưởng của việc ông đọc bi kịch Oresteia của Aeschylus, trong đó nổi bật chủ đề báo thù và việc thiết lập một tòa án để giúp giải quyết và hòa giải). Việc đòi hỏi phải có một quyền uy trung lập, và, do đó, một “ý chí chủ quan đặc thù [tức: của quan tòa] muôn cái phổ biến xét như là cái phổ biến”, chứ không đơn giản là một bên của cuộc tranh chấp, mang lại sự quá độ từ pháp quyền trừu tượng sang luân lý (THPQ §103).
Lý thuyết của Hegel được các nhà đối lập với thuyết công lợi (utilitarian) và thuyết răn đe về sự trừng phạt rất hoan nghênh. Nhưng nó cũng bị phê phán:
(1) Việc giương cây gậy đe dọa đối với một con người có thể là đối xử với anh/chị ta như đối xử với con chó dữ, nhưng, theo quan niệm của Feuerbach, thật ra, sự đe dọa gián tiếp và tinh vi hơn nhiều vốn mặc nhiên ở trong luật pháp có thể chỉ gây tác động đến con người, chứ không phải chó.
(2) Việc loại trừ các cách xem xét theo thuyết công lợi ra khỏi việc biện minh cho sự trừng phạt khó có thể dễ dàng được chấp nhận. Hegel có xu hướng giả định rằng một hệ thống trừng phạt được xây dựng trên lý thuyết của ông cũng sẽ răn đe được tội phạm. Nhưng, nếu giả định này là sai, thì ông ắt sẽ ưa chuộng, chẳng hạn, một xã hội với nhiều tội ác, mà tất cả (hay hầu hết) chúng đều bị trừng phạt, hơn là một xã hội với ít tội ác, và phần lớn trong số đó [có thể] thoát khỏi bị trừng phạt. Sự ưa thích ưu tiên này không đúng đắn một cách hiển nhiên.
(3) Việc diễn giải và giá trị hiệu lực của lý thuyết của ông là không chắc chắn. Ta sẽ xử lý làm sao với kẻ, chẳng hạn, ăn trộm hay giết người dựa vào sức mạnh của sự ưu thế có thật hay tưởng tượng của anh/chị ta đối với những người khác, và, vì thế, không thể được xem như là kẻ muốn rằng anh/chị ta cần được đối xử giống như anh/chị ta đối xử với những người khác?
(4) Lòng tin của Hegel rằng kẻ phạm tội phải có quyền để được trừng phạt và rằng lý thuyết giải thích tại sao ta buộc phải (hơn là đơn thuần có thẩm quyền) trừng phạt anh/chị ta, là điều không được minh chứng rõ ràng. Có lẽ ông dồn thành một (a) “việc không trừng phạt một tội phạm là vi phạm các quyền hạn của anh/chị ta”, với (b) “gây nên đau đớn đối với tội phạm, chẳng hạn, chỉ để răn đe những người khác, hoặc không trừng phạt anh/chị ta với niềm tin rằng anh/chị ta không chịu trách nhiệm đối với những hành động của mình, là vi phạm những quyền hạn của anh/chị ta”. Điều (b) không dẫn đến điều (a).
Đinh Hồng Phúc dịch