MẸ
[VI] MẸ (Bản năng làm mẹ)
[FR] Instinct maternel
[EN]
[VI] Quan sát những thú vật, đặc biệt loài có vú, nhất là các loài khỉ, rõ ràng là có một bản năng làm mẹ, con vật đẻ con ra là thực hiện ngay một loạt thao tác và hành vi nuôi con, che chở, chăm sóc con cho đến khi tự lập được. Ở con người, cũng như tất cả những bản năng khác, bản năng làm mẹ chịu sự chi phối mạnh mẽ của nền văn hóa xã hội. Cho đến na, các xã hội cổ truyền vẫn đề cao chức năng làm mẹ hơn chức năng làm đàn bà (theo nghĩa có đối tượng là đàn ông và được thỏa mãn các nhu cầu trong quan hệ nam nữ). Trong xã hội cũ, người đàn bà chưa có con, nhất là đứa con trai chưa thực sự có một vị trí trong xã hội. Làm mẹ là phải hy sinh tất cả vì chồng vì con, coi sự nghiệp của chồng con là sự nghiệp của mình, bản thân không có một sự nghiệp riêng. Trong một xã hội như vậy, đại đa số người đàn bà bình thường dễ thành người mẹ hiền, và nói chung trẻ em được bảo đảm những điều kiện chăm sóc đầy đủ về tình cảm. Ngày nay, người đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông, tức có vị trí của người công dân, có một sự nghiệp riêng, không nhất thiết phải hy sinh tất cả vì sự nghiệp của chồng con; và cũng phải nói đến quyền được hưởng thụ tất cả những cảm xúc làm đàn bà về xác thịt, một điều trước kia là đặc quyền của đàn ông. Trong hoàn cảnh như vậy, bản năng làm mẹ khi thể hiện ra dễ vấp váp. Đầu tiên là lao động ở ngoài gia đình làm cho người mẹ (và bố) hàng ngày bỏ con đi làm, sống với con rất ít thời gian, khó mà sẵn sàng và nhạy cảm đối với nhu cầu của con cái. Người mẹ ngày nay phải bù lại bằng sự hiểu biết; kiến thức về sinh lý tâm lý trẻ em cần nắm rõ cho con có chất lượng hơn. Xã hội cũng phải giúp bố mẹ về mặt này.
MẸ
[VI] MẸ (Mẹ-con)
[FR]
[EN]
[VI] Nói đến mẹ tức là nói đến con và quan hệ mẹ-con. Tâm lý học dùng từ “cặp” mẹ - con (dyade) để mô tả mối quan hệ chặt chẽ ấy, cả hai hợp thành một thực thể độc nhất. Khi còn trong lòng mẹ, tất cả những nhu cầu sinh lý của con đều thông qua cơ thể người mẹ: đó là giai đoạn cộng sinh (symbiose). Sau khi sinh ra, cơ thể con tách khỏi mẹ, nhưng em bé còn hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ. Lúc mẹ cho con bú, không những cung cấp thức ăn, mà em bé nằm trong vòng tay mẹ còn được bảo vệ an toàn, được sưởi ấm, da kề da, thịt áp thịt với mẹ, nếm vị sữa, ngửi hơi hám của mẹ; mỗi lần con do đói hay khó chịu vặn mình, hoặc con nằm thoải mái, người mẹ đều cảm thấy và đáp lại với một tư thế phù hợp. Con nhìn lên mặt mẹ, nghe lời mẹ, mặc dù biết con không hiểu, mẹ vẫn trò chuyện hú hí với con, và sau vài tuần con cũng đáp lại không phải bằng lời nói, mà bằng những tiếng líu lo. Đây là mối quan hệ giữa hai cơ thể, hai xác thịt, mà ta thường gọi là quan hệ ruột thịt, mối quan hệ đầu tiên của con người mới sinh ra, một mối quan hệ phi ngôn ngữ. Lúc này con còn ở trong tình trạng bất phân, chưa phân tách giữa bản thân và sự vật, mà vật thể gần gũi nhất là cơ thể của mẹ; đây là mối quan hệ vừa mang tính thể chất vừa mang tính tâm lý, đây là giai đoạn hòa mình giữa mẹ-con, kế tiếp giai đoạn cộng sinh. Vào cuối năm đầu, con bắt đầu sử dụng được tay chân, sử dụng đồ đạc và chập chững tập đi; bước đầu cũng thông qua mẹ mà sử dụng đồ vật: và đồ vật trở thành trung gian trong quan hệ mẹ-con. Đến lúc con biết đi, có thể đứng xa mẹ, lại bắt đầu hiểu tiếng nói và nói được, mẹ có thể bảo con và con có thể gọi mẹ, quan hệ lúc này lại thông qua lời nói, bắt đầu mối quan hệ ngôn ngữ là quan hệ quan trọng nhất trong xã hội. Như vậy, quan hệ mẹ- con từ ruột thịt đến thông qua đồ vật, rồi đến thông qua ngôn ngữ, những giữa mẹ- con quan hệ ruột thịt suốt đời vẫn giữ một vai trò quan trọng. Những lúc yếu đuối, người lớn cũng mong được bàn tay mẹ vuốt ve và nhiều khi cần ngã vào lòng mẹ để tìm an ủi. Không có quan hệ ruột thịt không thành mẹ. Những bà mẹ khá giả ngày xưa giao con cho vú em cho bú, tắm rửa và ngủ với con, họ chỉ là mẹ đẻ; đối với đứa con quan hệ không thân thiết như là đối với mẹ nuôi. Lúc mẹ đi vắng lâu ngày hoặc vì một lý do nào đó, mất mẹ, nhất thiết phải tìm cho em bé một người thế mẹ, cho bú, chăm sóc, thực sự có mối quan hệ ruột thịt.